+Aa-
    Zalo

    Đại học Đông Đô và những tấm bằng ngôn ngữ Anh vô giá trị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ manh mối được cung cấp, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu thông tin và hé lộ những bê bối trong quá trình đào tạo tại ngôi trường này.

    Trước khi Hiệu trưởng đại học Đông Đô Dương Văn Hòa cùng các đồng phạm bị khởi tố và bắt giam, báo ĐS&PL đã nhận được nhiều nguồn tin phản ánh về việc cấp bằng tốt nghiệp hệ văn bằng 2 chính quy tại trường cho các học viên không đúng quy định của bộ GD&ĐT. Từ manh mối được cung cấp, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu thông tin và hé lộ những bê bối trong quá trình đào tạo tại ngôi trường này.

    Hàng loạt tấm bằng vô giá trị đến tay học viên

    Tháng 5/2019, PV báo ĐS&PL đã nhận được phản ánh về việc đại học Đông Đô tuyển sinh đào tạo và cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh mặc dù trường không được cấp phép mở mã ngành này. Qua quá trình thu thập tài liệu, được biết, trong giai đoạn 2015 - 2016, đại học Đông Đô không tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, đến giữa năm 2017 mới thực hiện tuyển sinh đào tạo mã ngành này.

    Theo tìm hiểu, số lượng tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh đến nay khoảng trên 2.000 học viên, trong đó có khoảng 400 học viên không tuyển sinh đào tạo đúng quy định nhưng vẫn được cấp bằng, tổ chức cho chép bài thi để hợp thức hoàn thiện trong một vài ngày. Các học viên được công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt I năm 2018 ngành Ngôn ngữ Anh do Hiệu trưởng đại học Đông Đô - ông Dương Văn Hòa ký ngày 25/5/2018; ngày 2/10/2018. Một số trường hợp được ông Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường đại học Đông Đô ký và đóng dấu xác nhận đã học xong các môn trong chương trình đào tạo.

    Cuối tháng 5/2019, trong vai là người có nhu cầu đăng ký học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, PV báo ĐS&PL đã đến đại học Đông Đô để ghi nhận thực tế. Tiếp học viên (do PV đóng vai) tại phòng tuyển sinh ở cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc trung tâm Tuyển sinh đã tư vấn rất nhiệt tình.

    Chủ tịch Đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng và Hiệu trưởng Dương Văn Hoà bị khởi tố về tội Giả mạo trong công tác.

    Sau khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn tìm lớp đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, vị Phó Giám đốc đã cẩn thận hỏi ai là người giới thiệu. Tiết lộ một chút thông tin về những nhóm học viên từng học tại đây, chúng tôi ngay lập tức bày tỏ nhu cầu học để lấy bằng phục vụ cho công việc. Sau khi phóng viên vượt qua được vài “thử thách”, giống như đã cung cấp được “mật khẩu”, Phó Giám đốc Minh mới bắt đầu cởi mở hơn và giới thiệu những thông tin cơ bản về khóa học.

    Nắm được nhu cầu của chúng tôi, ông Minh yêu cầu một nhân viên mang hồ sơ và nhắc chúng tôi bổ sung bản photo công chứng những giấy tờ, bằng cấp cần thiết. Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc cũng không quên dặn dò thời gian này mới chỉ tiếp nhận hồ sơ, còn lịch học cụ thể chưa thông báo. Ông đưa lý do: “Hiện tại, tất cả các khóa đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của chúng tôi đã gần kết thúc, chờ hoàn thành các bài thi để được cấp bằng hoàn thiện. Vì vậy, chúng tôi sẽ chỉ tiếp nhận hồ sơ trong thời điểm này và sẽ cố gắng sắp xếp lớp học sớm nhất cho học viên. Còn việc chờ bao lâu mới có lớp thì tôi cũng chưa thể khẳng định ngay bây giờ”.

    Theo ông Minh, trước khi tổ chức thi đầu vào, trường đại học Đông Đô cũng sẽ tổ chức các lớp ôn luyện trước kỳ thi để tạo điều kiện cho học viên. Trao đổi về học phí của khóa học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, ông Nguyễn Ngọc Minh cũng cho biết: “Có 2 mức học phí khác nhau. Đối với sinh viên tại tầng 5, cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng là 29.820.000 đồng, còn trước đây, đối với sinh viên tại các cơ sở khác là 35.000.000 đồng”.

    Khi phóng viên thẳng thắn đặt vấn đề muốn học “nước rút”, ông Minh gợi ý: “Trong quá trình đào tạo, vì học viên toàn những người đã đi làm, vướng bận công việc, nên cũng không thể học tập thường xuyên được như thời sinh viên. Vì thế, các học viên có thể “nói khó” với thầy cô “du di” thời gian học cho thoải mái hơn”.

    Theo ông Minh, ngoài việc thỏa thuận khéo léo giữa học viên với các giảng viên phụ trách môn, cũng chưa có cách nào để học “rút ngắn” hơn nữa.

    Nhân viên vắng mặt bất thường

    Trong chuỗi quy trình tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh tại đại học Đông Đô, ông Trần Ngọc Quang và bà Phạm Vân Thùy là hai “mắt xích” khá quan trọng. Ông Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên đã từng nhận giúp 11 cá nhân, trong đó có 5 trường hợp học viện N.H, 3 trường hợp đến từ TP.Hồ Chí Minh và một số trường hợp khác. Được biết, ông Quang đã thu những trường hợp này 40 triệu đồng, nộp về trường 30 triệu đồng và giữ lại 10 triệu đồng.

    Bà Phạm Vân Thùy, nhân viên phòng đào tạo (khối học viên) cũng đã giúp các cá nhân N.H.P., N.A.Q., N.T.T. (đều là cán bộ công đoàn ngành xây dựng thuộc liên đoàn Lao động TP.Hà Nội) từ khoảng tháng 6/2018 đến nay. Khi biết được thông tin về những “mắt xích” này, phóng viên đã liên hệ để tìm hiểu rõ những nội dung liên quan. Tuy nhiên, ông Quang và bà Thùy đều từ chối cung cấp thông tin cho báo chí và lấy lý do: “Nếu là phóng viên thì cứ liên hệ đến trường, các lãnh đạo phê cho ai trả lời thì người đó sẽ giải đáp thông tin”.

    Sáng 4/6/2019, trong buổi làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Hải Yến, phụ trách phòng Đào tạo đại học Đông Đô cho biết: “Từ khi tôi về trường làm việc, không hề biết bà Thùy. Còn ông Quang, tôi có biết vì ông là Phó trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên nhưng ông này đang ốm rất nặng và hiện đã xin nghỉ để chữa bệnh từ cách đây khoảng vài tháng”. Đáng nói, trong buổi làm việc, cả hai vị đại diện đại học Đông Đô đều là nhân sự mới: Bà Phạm Hằng, phụ trách truyền thông của trường đại học Đông Đô mới về trường hơn một tháng, còn bà Yến về trường trước bà Hằng khoảng nửa tháng. Chính điều này khiến phóng viên không khỏi băn khoăn, vì sao trường lại “đột ngột” thay đổi nhân sự mới và cử đại diện là những người mới, chưa nắm được nhiều thông tin để giải đáp cho báo chí.

    Trong khi đó, để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã liên hệ với nguyên Phó Hiệu trưởng trường đại học Đông Đô. Vị này khẳng định: “Cho đến thời điểm tôi còn là Phó Hiệu trưởng, tức là khoảng tháng 6/2018, chưa có văn bản nào của bộ GD&ĐT cho phép đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Những người cho biết được phép tuyển sinh hiện nay cũng chỉ là ngụy biện, đó cũng là một trong những “đầu mối” để tuyển sinh, họ hiểu rõ hơn ai hết”.

    Nguyễn Hường – Thủy Tiên
    Bài đăng trên Báo in Đời sống & Pháp luật số 135
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-hoc-dong-do-va-nhung-tam-bang-ngon-ngu-anh-vo-gia-tri-a290014.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan