Tối 5/12, Đại học Bách khoa Hà Nội phát đi thông cáo báo chí sau khi có quyết định về việc chuyển từ trường lên đại học.
Theo Quyết định 1512/QĐ-TTg của Thủ tướng, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan.
"Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển của Bách khoa Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới", Quyết định nêu rõ.
Về cơ cấu tổ chức và quản trị, Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.
Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.
Thông tin về việc cấp văn bằng tốt nghiệp sau khi "đổi tên", nhà trường cho biết, người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của Đại học.
Theo số liệu thống kê, hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Năm 2022, Trường có 16 PGS và 2 GS được công nhận đạt chuẩn.
Tháng 11/2022, Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2020-2021, dẫn đầu các cụm thi đua của Bộ GD&ĐT, nhiều giảng viên, cán bộ nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thủy Tiên