(ĐSPL) - Các đại gia Hà Thành đã chi tiền sắm gần 200 ô tô hạng sang chỉ trong 5 ngày diễn ra Triển lãm Ô tô Quốc tế Việt Nam 2015...
Đại gia Hà Thành chi tiền sắm 200 ôtô sang chỉ trong 5 ngày
Tin tực trên báo Một thế giới, trong 5 ngày diễn ra Triển lãm Ô tô Quốc tế Việt Nam 2015 được tổ chức tại Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), đã có hơn 70.000 lượt khách tham quan, hơn 50 xe trưng bày và gần 200 hợp đồng được ký kết.
Như vậy có thể thấy, các đại gia Hà Thành đã chi tiền sắm gần 200 ô tô hạng sang chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Báo Vietnamnet thông tin thêm, Euro Auto bán được 42 chiếc xe sang BMW các loại, còn thương hiệu Mini bán tới 11chiếc, trong đó khá nhiều là mẫu Cooper S mui trần, phiên bản mới giá 1,8 tỷ đồng.
Renault Việt Nam gây ngạc nhiên lớn khi bán được 37 xe tại triển lãm lần này, trong đó có tới 12 chiếc Duster, 9 chiếc Sandero, 4 chiếc Logan là 3 mẫu xe mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Đại diện một doanh nghiệp phân phối xe sang cho biết, nhu cầu về xe sang đang tăng mạnh. Trong 5 ngày triễn lãm, nhiều khách hàng giàu đến tham quan triển lãm đã tỏ rõ sự quan tâm với các loại xe sang có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên. Ngoài công nghệ, họ cũng quan tâm đến thời điểm giao xe.
Nhiều khách hàng lo ngại thuế tiêu thụ đặc biệt sắp tăng cao với dòng xe từ 3.0L trở lên. Đây cũng chính là lý do khiến số lượng xe sang được khách hàng ký hợp đồng mua trong 5 ngày triển lãm tăng cao, vượt dự kiến của các DN.
Được biết, 50 dòng xe được trưng bày tại triển lãm lần này đều là 50 mẫu xe nhập khẩu mới nhất thế giới như Audi Q7, BMW 6 Series Gran Coupe, Jaguar F-Type R Convertible, Land Rover New Discovery Sport, Luxgen U6 Turbo Eco Hyper, MINI Cooper S, Porsche 911 GT3 RS, Renault Duster và BAIC CC...
Giá bán của 50 dòng xe mới nhất này dao động từ 600 triệu đến hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, một trong những mẫu xe rẻ nhất là Renault Logan được nhập khẩu từ châu Âu với mức giá 599 triệu (đã bao gồm thuế GTGT).
Còn một trong những mẫu xe đắt nhất trong triển lãm lần này là siêu xe thể thao đường phố 911 GT3 RS của Porsche, với mức giá 11,48 tỷ đồng (đã bao gồm các loại thuế, phí).
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong quý 3/2015, xe có giá trị từ 150.000 đến 300.000 USD đi đăng kiểm là 572 chiếc, xe có giá từ 300.000-500.000 USD là 42 chiếc và xe trên 500.000 USD đăng kiểm có 4 chiếc.
Trong số 4 chiếc xe có giá trị trên 500.000 USD đăng kiểm, có 2 chiếc Lamborghini Huracan, 1 chiếc Ferari và 1 Rollsroyce Phantom trục cơ sở kéo dài.
Trong số 42 xe có giá trị từ 300.000-500.000 USD đăng kiểm, chủ yếu là BMW i8 và May Bach S600. Số liệu của Cục Đăng kiểm cũng cho thấy, số lượng xe sang trong mức giá này đến đăng kiểm tăng mạnh, tới 2,5 lần so với quý 2/2015.
Xe sang có giá từ 150.000 đến 300.000 USD đi đăng kiểm cũng tăng gần 2 lần so với quý 2/2015.
Theo nhận định của các DN, từ nay cho đến hết quý 2/2016 số lượng xe sang và siêu sang nhập khẩu sẽ tăng mạnh do lo ngại thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao.
Bởi, Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét, phê duyệt mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới với ô tô, theo đó dòng xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên sẽ tăng mạnh. Với xe 3.0-4.0L sẽ tăng từ mức 60\% hiện nay lên 90\%; xe từ 4.0- 5.0L tăng lên 110\%; xe từ 5.0L- 6.0L tăng lên 130\% và xe trên 6.0L tăng 150\%.
Theo nhận định của các DN, từ nay cho đến hết quý 2/2016 số lượng xe sang và siêu sang nhập khẩu sẽ tăng mạnh do lo ngại thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao. (Ảnh minh họa). |
Nếu Quốc hội phê duyệt, mức thuế này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016.
Trong khi chờ đợi thuế nhập khẩu ô tô có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên giảm về 0\% sau 10 năm nữa (theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do), thì dự kiến, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên rất cao, sẽ khiến giá xe sang tăng mạnh từ giữa năm tới. Điều đó sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của giới nhà giàu. Mua xe trước khi thuế tăng sẽ tránh phải chi thêm một khoản tiền lớn và xe cũng không bị mất giá sau này.
Một DN bán xe siêu sang tại Hà Nội tiết lộ, mấy ngày nay, nhiều người có tiền, khi nghe thông tin trên đã vội vàng tìm đến các đại lý tìm hiểu, đặt mua xe với hy vọng sẽ có được trước thời điểm 1/7/2016. Nhu cầu về xe sang và siêu sang đang tăng ảo do lo ngại chính sách thuế thay đổi lớn.
Đây cũng được coi là "phi vụ" làm ăn lớn cuối cùng với những DN nhập khẩu xe sang và siêu sang có dung tích xi lanh trên 3.0L. Để chuẩn bị cho cơ hội này, trong khi thời gian không còn nhiều, một số DN cho biết đang làm việc với các nhà sản xuất, để đặt hàng, nhập khẩu về nước sớm nhất, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi
Báo Pháp luật Tp.HCM cũng đưa tin, các hãng xe cho hay theo thỏa thuận trong TPP, ô tô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45\% linh kiện sản xuất nội khối TPP. Một chiếc xe được xem là sản xuất nội khối nếu các thành phần chính được làm tại một trong 12 nước TPP. Còn các linh kiện nhỏ vẫn có thể được lấy từ bên ngoài.
Nhìn nhận về nội dung này, ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM, cho rằng TPP sẽ tạo ra sức hút đầu tư cho Việt Nam trong ngành sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. “Các nhà đầu tư có thể dịch chuyển đầu tư chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng ô tô từ Thái Lan (nước không phải thành viên TPP) sang Việt Nam để được hưởng thuế suất 0\%” - ông Tống nói.
Ông Trương Kim Phong cũng cho rằng các hãng xe Nhật, Mỹ có thể đổ tiền đầu tư sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam. “Nhưng họ sẽ xem xét kỹ về trình độ năng lực lao động, các loại thuế phí phải đóng… có lợi thế hơn so với đầu tư tại nước họ hay không. Đồng thời cơ chế chính sách, thủ tục hành chính của Việt Nam phải thay đổi hợp lý hơn, đến lúc đó Việt Nam mới có thể trở thành nơi cung cấp linh kiện ô tô cho thế giới” - ông Phong phân tích.
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế nhận định khi xe nhập khẩu rẻ hơn xe trong nước, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp sẽ có xu hướng chuyển sang nhập khẩu xe. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghiệp ô tô nội địa.
Ngọc Anh (Tổng hợp)