Từ ngày 22/7, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, Chủ tịch CTCP Hàng không Tre Việt) và 49 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).
Trong vụ án Doãn Văn Phương (SN 1977, cựu Tổng Giám đốc FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) là người có vai trò đắc lực giúp Trịnh Văn Quyết lừa đảo. Tuy nhiên ngày 27/3/2022, Doãn Văn Phương đã xuất cảnh đi Anh. Doãn Văn Phương nổi tiếng với cuộc hôn nhân với một hoa hậu tài sắc vẹn toàn, tuy nhiên cuộc hôn nhân đã kết thúc bằng việc ly hôn sau đó không lâu, khiến không ít người tiếc nuối.
Doãn Văn Phương từng đảm nhiệm vị trí gì ở FLC?
Theo báo Vietnamnet, Doãn Văn Phương quê Thanh Hóa, là cử nhân ngành Luật và là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.
Ông Phương được biết đến từng công tác trong ngành Bưu điện, từng giữ chức Phó phòng tổng hợp Công ty Dịch vụ Vật tư Viễn thông Hà Nội - Bưu điện Hà Nội.
9 năm sau đó, ông Phương bất ngờ rẽ trái sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đến đầu năm 2010, ông Phương chính thức gia nhập Tập đoàn FLC, sau đó kinh qua nhiều vị trí quan trọng ở tập đoàn FLC cũng như các công ty thành viên.
Cụ thể, ông Doãn Văn Phương từng giữ chức Tổng Giám đốc FLC từ năm 2011 đến 5/2015. Sau đó, ông Phương được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị. Nhưng đến tháng 9/2015, ông Phương bất ngờ thôi chức.
Nhiều năm sau, ông Phương giữ các vị trí chủ chốt tại một loạt các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC như Chủ tịch HĐQT CTCP Nông dược H.A.I; Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS). Có một khoảng thời gian ông Phương còn đảm nhận vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá FLC Thanh Hóa.
FAROS nâng khống vốn lên 4.300 tỷ đồng, vai trò của Doãn Văn Phương?
Ngày 9/4/2024, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 50 bị can liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty FAROS...
Theo báo Lao động, bản cáo trạng thể hiện, tháng 8/2012, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương - Tổng Giám đốc FLC cùng một số cá nhân mua lại Công ty Green Belt có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng (sau hai lần đổi tên thành Công ty FAROS). Doãn Văn Phương được giao làm Chủ tịch HĐQT Công ty FAROS và mọi hoạt động của doanh nghiệp này Trịnh Văn Quyết chỉ đạo, điều hành trực tiếp thông qua Phương.
Do FAROS không có nguồn vốn và tài sản đảm bảo, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các thành viên trong tập đoàn FLC thực hiện các thủ tục nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp này, từ đó phát hành cổ phiếu, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán bán cho các nhà đầu tư.
Cụ thể, Trịnh Văn Quyết giao em gái - Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo bộ Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT sau đó chuyển cho các thành viên (có Doãn Văn Phương…) ký hợp thức tài liệu này.
Bị can Quyết còn trực tiếp chỉ đạo Huế soạn thảo hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần ủy nhiệm chi chuyển cho các cá nhân nhờ đứng tên là cổ đông góp vốn khống tại FAROS.
Sau đó, Quyết, Phương chỉ đạo việc sử dụng góp vốn khống này nhằm hợp thức hóa tài sản của FAROS bằng thủ đoạn: Ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các cá nhân, pháp nhân là người thân quen, nhân viên Tập đoàn FLC… để cân đối vốn góp khống.
Cơ quan công tố cáo buộc, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, Trịnh Văn Quyết và các bị can 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng số vốn điều lệ của Công ty FAROS từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.
Theo cơ quan công tố, 5 lần tăng vốn điều lệ của FAROS, đều do Trịnh Văn Quyết, Doãn Văn Phương bàn bạc. Sau mỗi lần tăng vốn hoàn thành, Doãn Văn Phương đều thông báo kết quả với Trịnh Văn Quyết.
Tài liệu điều tra xác định, FAROS chỉ có số vốn thực góp là hơn 1.197 tỷ; còn số tiền nâng khống là hơn 3.102 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất việc nâng vốn điều lệ của Công ty Faros lên 4.300 tỷ đồng, Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương tiếp tục bàn bạc việc niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán, nhằm đạt được mục đích niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương ứng với 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Faros để bán cho nhà đầu tư chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (trong đó có hơn 3.100 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu khống).
Cáo trạng cũng nêu rõ, Doãn Văn Phương là người tham mưu cho Trịnh Văn Quyết, thường xuyên bàn bạc, thống nhất chủ trương và được giao trực tiếp thực hiện thủ tục mua Công ty Faros; ký các thủ tục tăng vốn điều lệ, ủy thác đầu tư.
Tiếp đó, khi đang ngồi ghế Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Phương được giao thêm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Faros các giai đoạn từ 28/5/2015- 9/11/2019. Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Phương ký tờ trình, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết các lần tăng vốn thứ ba (từ 1.125 tỷ đồng lên 3.037 tỷ đồng); lần thứ tư (từ 3.037 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng) và lần tăng vốn thứ năm (từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng).
Bị can này còn bị cáo buộc ký nghị quyết và các văn bản đề nghị, giải trình với các cơ quan chức năng để cổ phiếu Công ty Faros được niêm yết trên sàn chứng khoán; chỉ đạo Tổng Giám đốc ký hợp đồng ủy thác đầu tư để hợp thức số vốn góp khống và các báo cáo tài chính; ký 18 giấy rút tiền mặt để Huế rút 900 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của Công ty Faros, để hợp thức dòng tiền tăng vốn khống.
Ngoài ra, với vai trò cổ đông, Phương được Trịnh Văn Quyết giao ký hợp đồng nhận chuyển nhượng/giấy nộp tiền góp vốn, để sở hữu hơn 7,7 triệu cổ phần, tương đương hơn 77 tỷ đồng; sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần cho Quyết để hợp thức vốn góp, hợp thức danh sách cổ đông đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán, để Quyết bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiếm đoạt tiền.