+Aa-
    Zalo

    Đại gia đình bốn đời bám biển và đội tàu tiên phong nơi đầu sóng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Cả năm anh em ruột đều là chủ tàu, thuyền trưởng, vẫn ngày ngày hối hả ra khơi bám biển, vừa đánh bắt, vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

    (ĐSPL)- Cả năm anh em ruột đều là chủ tàu, thuyền trưởng, vẫn ngày ngày hối hả ra khơi bám biển, vừa đánh bắt, vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.
    Những ngày qua, mặc dù Biển Đông đang dậy sóng bởi những hành động ngang ngược của Trung Quốc, song với truyền thống bốn đời bám biển mưu sinh, đại gia đình có năm anh em ruột đều là chủ tàu, thuyền trưởng vẫn ngày ngày ngang dọc trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với quyết tâm: Ra khơi để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của cha ông.
    Truyền đời “đạp sóng vươn khơi”
    Về xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, nhắc đến đại gia đình ông Nguyễn Văn Trọng, không ai là không biết, bởi qua bốn đời đại gia đình này đều lấy việc đánh cá ngoài biển khơi làm nghề mưu sinh. Giờ đây, cả năm anh em ruột gồm Nguyễn Văn Đức (52 tuổi), Nguyễn Văn Trọng (49 tuổi), Nguyễn Văn Khen (41 tuổi), Nguyễn Văn Ngợi (40 tuổi) và Nguyễn Văn út (34 tuổi) đều là chủ tàu, thuyền trưởng, vẫn ngày ngày hối hả ra khơi bám biển, vừa đánh bắt, vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.
    Đại gia đình bốn đời bám biển và đội tàu tiên phong
    Tàu BĐ 94518-TS có công suất 500CV do ông Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng.
    Mặc dù nghe danh đã lâu, nhưng nhiều lần chúng tôi hẹn gặp đều không thành bởi họ còn đang lênh đênh trên biển khơi. Từ tháng Mười đến tháng Chạp âm lịch, các tàu cá của gia đình ông Trọng hành nghề lưới vây ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và ra Giêng thì đưa tàu vào Trường Sa đánh bắt rồi neo đậu ở các tỉnh phía Nam để bán cá, lấy vốn ra khơi tiếp.
    Mỗi năm, năm anh em họ chỉ quây quần cùng gia đình chừng 15-20 ngày rồi tiếp tục rẽ sóng vươn khơi. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tương đối khang trang, ông Nguyễn Văn Trọng vui vẻ cho biết: “Đời tụi tui là đời thứ tư bám biển. Dân biển mà, không đi làm biển thì biết làm gì. Giờ đây nhà của mấy anh em đều xây mới khang trang như nhau, tất cả đều nhờ vào biển cả đấy”.
    Nhớ lại chặng đường vất vả đã qua, ông Trọng vô cùng tự hào về truyền thống của đại gia đình mình.
    “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề biển, ngay từ nhỏ, mấy anh em tôi đã theo ba mẹ xuống ghe thuyền để phụ giúp những công việc trên biển, rồi chúng tôi lớn dần lên cùng sóng nước đại dương. Tình yêu biển cả từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt của cả nhà chúng tôi đến nỗi nếu không ngửi được mùi biển là nhớ, không chạm vào biển thì lòng bất an", ông Trọng hồi tưởng.
    Nhấp ngụm trà nóng thơm phức, ông Trọng tâm sự tiếp: “Trước đây, đời ông cố, ông nội tôi đều đánh bắt bằng thuyền nhỏ dùng mái chèo nên chỉ ra xa bờ được vài trăm mét nước, đến đời cha tôi có được tàu công suất nhỏ vươn xa hơn nhưng cũng chỉ cách bờ 5 - 10 hải lý.
    Hồi đó, cha tôi vừa làm vừa nuôi gia đình đến 10 người con nên mãi đến năm 1999, ông cụ mới dành dụm, chắt chiu, dồn hết tài sản để đóng chiếc tàu riêng đầu tiên công suất 75CV, và giao quyền chỉ huy con tàu cho tôi. Từ đó, anh em chúng tôi mới bắt đầu vươn khơi xa hơn. Thời ấy nguồn hải sản ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa còn phong phú, dồi dào, tàu cá đánh bắt ở khu vực này chưa nhiều, nên sản lượng đánh bắt của gia đình lúc nào cũng khá lớn”.
    Gia đình bốn đời bám biển, kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo
    Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trọng say sưa kể chuyện đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
    Hào hùng tiếp bước cha ông
    Với ý chí vươn khơi xa để làm giàu, ông Trọng bàn với anh em góp tiền đóng thêm tàu công suất lớn. Năm 2001, họ gom góp, vay mượn, đóng được tàu có công suất 270CV.
    Làm ăn khấm khá được chút đỉnh, đến năm 2003, mấy anh em họ tiếp tục đóng thêm tàu công suất 330CV, rồi đến năm 2009 lại đóng thêm một tàu công suất 450CV. Vào thời điểm đó, anh em ông Trọng là một trong số ít ngư dân dám đầu tư tiền tỉ đóng tàu công suất “khủng” cỡ vậy để vươn khơi. Hiện nay, tàu của gia đình đã được nâng công suất lên đến 500CV.
    Trong đó, hai tàu BĐ 94518-TS do ông Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu BĐ 94195-TS do ông Nguyễn Văn Trọng làm thuyền trưởng đều có công suất 500CV; tàu BĐ 94320-TS công suất 330CV được giao người em trai áp út là Nguyễn Văn Khen làm thuyền trưởng. ông Đức còn bật mí: “Hiện năm anh em tôi đã thống nhất hùn vốn để đóng thêm một tàu nữa, công suất khoảng 700 - 800CV để vươn khơi xa hơn”.
    “Ngày xưa, cha tôi rất sáng suốt khi giao vị trí chỉ huy con tàu cho anh Trọng bởi anh rất giỏi trong việc đoán trước luồng cá đi, đặc biệt là tính quyết đoán, “ăn sóng, nói gió” nên mọi người nghe theo, nể phục. Nhờ sự quyết đoán của anh Trọng mà những chuyến biển của gia đình đều an toàn, đánh bắt bội thu”, ông Nguyễn Văn Khen tự hào kể về anh trai. Nghe đến đây, thuyền trưởng Trọng cười sảng khoái: “Tính tui vậy đó. Mỗi khi cất giọng là anh em trên tàu chạy có cờ. Giữa biển khơi bốn bề sóng nước, ranh giới sống - chết, được - mất chỉ trong gang tấc, không mạnh mẽ thì làm sao điều hành được ba tàu cá cùng 45 mạng người vượt sóng lớn, đánh bắt có hiệu quả được”.
    Thuyền trưởng Trọng cũng rất khắt khe trong chuyện chi tiêu với những anh em đi biển cùng. “Mỗi khi kết thúc chuyến biển, tui mới tính sổ thu chi rồi bảo vợ con bạn đến nhận, chứ mình đưa cho bạn, họ thấy tiền nhiều quá lấy đi chơi bời, ăn nhậu hết sạch, coi như một năm khổ cực vật lộn với biển thành trắng tay sao!”, ông Trọng phân bua.
    “Cả ba tàu cá của gia đình đều có cổ phần chung của năm anh em nên mỗi chuyến đi biển đều chia chung, kể cả người làm thuê. Ngoài ra, mỗi năm, số tiền Nhà nước hỗ trợ xăng dầu mà các tàu của anh em ông Trọng nhận được cũng được chia cho các bạn trên tàu. Họ sống chết với mình trên biển, dù biết đó là tiền hỗ trợ cho chủ tàu nhưng chia sẻ với anh em một ít gọi là”, ông Nguyễn Văn Đức tiếp lời.
    Ra khơi khẳng định chủ quyền
    Không chỉ riêng gia đình ông Trọng mà đại đa số ngư dân Bình Định đánh bắt xa bờ chủ yếu hoạt động ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Niềm vui lớn nhất của họ là được “cưỡi sóng vươn khơi”, quyết tâm bám biển, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bởi lẽ trong trái tim mỗi ngư dân bao giờ cũng ngự trị một ý niệm thiêng liêng: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
    Trước đây chưa biết các đảo ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nên mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới là tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Khen mở hết tốc lực cho tàu chạy vào đất liền, nhiều khi chạy không kịp, gặp nạn. Giờ đây, mỗi lần thời tiết bất lợi, ông cho tàu chạy vào nấp ở các đảo thuộc hai quần đảo này, vừa an toàn lại vừa được cán bộ, chiến sỹ trên đảo cho nước ngọt, thuốc men. Rồi ông Khen khẳng định: “Các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, giờ chúng tôi xem như nhà của mình vậy”.
    Trao đổi với chúng tôi, thuyền trưởng Nguyễn Văn Khen cho biết tàu ông vừa mới đánh bắt trở về, dẫu biết rằng, trước tình hình như hiện nay sẽ gặp không ít khó khăn nhưng họ vẫn ra khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo. “Lênh đênh trên biển, đã không ít lần chúng tôi giáp mặt với tàu của ngư dân và quân đội Trung Quốc. Chúng tôi luôn đi thành đoàn nên không hề sợ, luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng để vững tâm bám biển”, ông Khen nói giọng chắc nịch.
    Mặc dù bị tàu cá Trung Quốc gây hấn nhưng mấy anh em ông Trọng vẫn kiên quyết vây lưới đánh bắt vì trong tim đại gia đình này, Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trọng tự hào nói: “Trước hành động ngang ngược vô lối của phía Trung Quốc trên biển Đông, ngư dân như chúng tôi càng phải kiên quyết và đoàn kết hơn trong lúc ra khơi bám biển”.                  

    Đội tàu tiên phong của huyện

    Đội tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Trọng là đội tàu tiên phong của huyện Phù Mỹ trong mô hình thành lập tổ, đội sản xuất trên biển đủ mạnh để bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài việc tham gia đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao, gia đình ông Trọng còn tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, tham gia tuyên truyền chủ quyền biển, đảo hoặc chia sẻ kinh nghiệm về đánh bắt xa bờ cho các chủ tàu cá khác. Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển của ông Trọng hiện có bảy tàu, gồm ba tàu của gia đình và bốn tàu cá khác, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau đánh bắt giữa biển khơi”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-dinh-bon-doi-bam-bien-va-doi-tau-tien-phong-noi-dau-song-a36529.html
    Ngư dân miền Trung vẫn “đạp sóng” ra khơi

    Ngư dân miền Trung vẫn “đạp sóng” ra khơi

    “Nghe tin Trung Quốc ngang ngược đưa ra những quy định vô lý nên anh em hơi lo. Nói thật lòng là lo thì lo nhưng không sợ vì Bộ Ngoại giao mình và các nước cũng phản đối rồi. Anh em chúng tôi vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa. Biển của mình mà, không đánh bắt sao được. Họ cấm thì cứ cấm, còn việc của mình mình cứ làm, chẳng sợ”.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngư dân miền Trung vẫn “đạp sóng” ra khơi

    Ngư dân miền Trung vẫn “đạp sóng” ra khơi

    “Nghe tin Trung Quốc ngang ngược đưa ra những quy định vô lý nên anh em hơi lo. Nói thật lòng là lo thì lo nhưng không sợ vì Bộ Ngoại giao mình và các nước cũng phản đối rồi. Anh em chúng tôi vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa. Biển của mình mà, không đánh bắt sao được. Họ cấm thì cứ cấm, còn việc của mình mình cứ làm, chẳng sợ”.