+Aa-
    Zalo

    Đại gia chân đất biến trang trại nuôi heo thành vườn Truyện Kiều độc nhất vô nhị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Được mệnh danh là “vua heo” nổi tiếng, bỗng một ngày, lão quyết định chuyển toàn bộ đàn heo đi nơi khác để nhường chỗ cho “Truyện Kiều”.

    Được mệnh danh là “vua heo”, nổi tiếng khắp miền Đông Nam Bộ với trang trại rộng hàng ngàn héc ta, bỗng một ngày, lão quyết định chuyển toàn bộ đàn heo đi nơi khác để nhường chỗ cho “Truyện Kiều”. Thiên hạ được dịp mắt tròn mắt dẹt: “Phải chăng đây là thú chơi ngông của vị đại gia chân đất này?”.

    “Đuổi” heo, rước “nàng Kiều”

    Với vẻ chân chất, thật thà, lão nông Phạm Văn Khoát (hay còn gọi là Bá Khoát, SN 1933) được cả làng nuôi heo Đồng Nai và các tỉnh lân cận ngưỡng mộ. Sau nhiều năm được biết đến như một đại gia chân đất, ông Khoát lại khiến dư luận choáng váng với phát kiến lạ lùng: Thiết kế một khu vườn để phục dựng lại nhân vật, bối cảnh, không khí như trong Truyện Kiều. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một trò khoe mẽ, “chơi ngông” của đại gia chân đất nhưng ông Khoát lại đưa ra cách lý giải hoàn toàn khác.

    Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở Ninh Bình, sau khi cưới vợ, Bá Khoát cùng gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống. Không tấc đất cắm dùi, cả gia đình ông phải cóp nhặt từng đồng để thuê đất canh tác đắp đổi qua ngày. Vốn sẵn kinh nghiệm nuôi heo gia truyền, lão Khoát mạnh dạn đầu tư hẳn một trang trại nuôi heo rộng gần 4.000m2 trên nền đất thuê.

    Từ đó, lão Khoát dần nổi tiếng trong giới nuôi heo với quy mô trang trại khủng nhất miền Đông Nam Bộ thời bấy giờ. Cũng từ đó, biệt danh “vua heo” đã được gắn với lão như một sự tín nhiệm và ngưỡng mộ đối với bậc thầy của dân trong nghề. Thậm chí, người ta còn làm phim tài liệu về lão với tựa đề “Vua nuôi heo” để minh chứng cho hành trình vươn lên của lão nông nghèo chân chất có thu nhập bạc tỷ. Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, bỗng một ngày, người ta há hốc mồm khi nhìn thấy lão “đuổi” hết heo đi để dành chỗ cho “nàng thơ” của mình. Nhiều người biết chuyện bảo: Lão khùng muốn chơi ngông. Nhưng với lão, bén duyên với nàng Kiều là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

    Khi được hỏi sao đang là nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra, ông lại quay về với thú vui tao nhã này? Ông già 84 tuổi với dáng người thấp đậm, hồng hào còn rất tráng kiện cười vui: “Tôi giao lại mọi việc điều hành cho con trai từ năm 1995, đến năm 1996 thì bắt tay vào xây dựng Vườn Kiều này cũng có lý do riêng. Bắt đầu từ mê Kiều”...

    Nhớ lại cơ duyên trời định ấy, lão bảo: “Tôi gặp Kiều trong lúc sức khỏe suy kiệt nhất và nhờ “nàng” mới sống tới tận ngày hôm nay”. Chuyện là hồi trai trẻ, Bá Khoát bị suy tim nặng, chạy chữa thuốc men kiểu gì bệnh tình cũng không thuyên giảm. Nghe bác sĩ khuyên nên đi biển nghỉ dưỡng để tinh thần thoải mái, lão lập tức gật đầu ưng thuận.

    “Trong một lần đi dạo trên bãi biển, tôi vô tình nghe ai đó đang ngâm mấy câu thơ rất hay, hỏi ra mới biết là những câu trong truyện Kiều. Từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi sưu tầm Truyện Kiều và luôn mang nó bên mình. Ngồi trên bãi biển ngâm vài câu Kiều, tôi thấy tinh thần phấn chấn hơn và sự ám ảnh bệnh tật cũng được xua tan”, lão chia sẻ.

    Ông Khoát dẫn khách tham quan bức tượng đắp phù điêu Truyện Kiều.

    Theo đuổi niềm đam mê của mình, lão dành 20 năm để nhớ rành rọt từng câu, từng đoạn và ngâm cứu các điển tích trong áng văn chương bất hủ này. Khi niềm say mê đã trở thành khao khát sáng tạo, lão quyết phải làm gì đó để “truyền lửa” Truyện Kiều tới lớp trẻ sau này. Cân nhắc mãi, ông nảy ra ý tưởng độc đáo: Tạo nên khu vườn tái hiện cảnh và người trong từng chương Truyện Kiều. “Vườn Kiều” của “vua heo” bắt đầu được hoàn thiện từ đấy. Ông Bá Khoát luôn tự hào rằng, đó là một hành trình theo đuổi nghệ thuật đích thực.

    Lặn lội sang “quê hương nàng Kiều” tìm ý tưởng

    “Vua heo” cho biết trước đây vườn Kiều là trang trại nuôi lợn của gia đình. Cũng vì mê Kiều mà ông quyết định chuyển trang trại sang nơi khác để phục dựng lại nhân vật và bối cảnh Truyện Kiều như bây giờ.

    Ông kể, khi bắt đầu thiết kế khu vườn, có người mỉa mai rằng là “vua heo” mà lại đi “đuổi” heo để rước “nàng Kiều” về, phải chăng là trò khoe mẽ, chơi ngông của những “đại gia chân đất”? Đáp lại, ông chỉ cười trừ với lý lẽ riêng: “Có lẽ, niềm say mê Truyện Kiều ngấm vào da thịt khiến tôi quyết định di dời trang trại heo và dành toàn bộ thời gian, công sức cho vườn thơ độc nhất vô nhị này. Nhiều người bảo tôi chơi ngông thì cứ cho là như vậy cũng không sao. Quan trọng là tôi được thỏa mãn tình yêu với “nàng Kiều””.

    Trong suốt hơn 10 năm (1996- 2007) bắt tay xây dựng và hoàn thiện, khu vườn như một “bản sao” sống động về con người, cảnh vật trong Truyện Kiều. Với mong muốn có sự cảm nhận thấu đáo để thiết kế vườn Kiều, ông Bá Khoát đã thực hiện hẳn một chuyến du ngoạn sang Trung Quốc - quê hương của nàng Kiều, nơi tiểu thuyết “Đoạn trường tân thanh” khai sinh. Trong gần nửa tháng trên xứ người, “vua heo” đã tìm đến những địa điểm đánh dấu từng bước trên con đường lưu lạc đầy giông tố của nàng Kiều như Triết Giang, Lâm Truy, sông Tiền Đường...

    Đem sự trải nghiệm mới mẻ từ quê hương nàng Kiều trở về, ông đã “hồi sinh” đời Kiều lần nữa qua những bối cảnh, bức tượng đầy ắp tình thương yêu. Và khi đôi chân chưa mỏi, trong quá trình hoàn thiện khu vườn, lão tìm về làng Tiên Điền, quê hương cụ Nguyễn Du để lấy mẫu tượng về làm tượng thờ bằng thạch cao ngay trong khuôn viên vườn Kiều. Miệt mài sáng tạo, ông Khoát đã dùng chính tình yêu với nàng Kiều để làm sống lại từng chương trong kiệt tác này.

    Điểm nhấn nổi bật trong khu vườn Kiều có lẽ chính là bức tường bao quanh dài 30m với những nét chạm trổ tinh tế trên nền tường xi măng. Nó như bức họa đồ sộ lột tả nét đặc trưng nhất trong 20 chương của Truyện Kiều. Từ cảnh Kiều gặp Kim Trọng lần đầu tiên đến sau này, nàng được báo ân báo oán và trở về với tình xưa. Tất cả như hòa quyện trong những vần thơ, khúc Kiều gắn trên từng nhành cây, lối rẽ vào khu vườn. Thêm đó, gần 20 bức phù điêu trắng nghiêng mình dưới bóng cây, nào Thúy Kiều e lệ dưới hoa, nào Kim Trọng đĩnh đạc trên yên ngựa, rồi Vương Quan, Thúc Sinh hay Quan âm các... làm khách vãn cảnh có cảm tưởng như đang lạc vào thế giới của Truyện Kiều cách đây hơn 200 năm.

    Lão còn dựng cả lầu Ngưng Bích nằm trầm ngâm giữa hồ sen liễu rủ. Lão bảo, chính nơi này, Kiều mang thân phận tủi nhục nhưng vẫn không thôi ngóng chờ một cứu tinh cho cuộc đời mình. Từ lầu Ngưng Bích, phóng tầm mắt ra phía bờ hồ sen bên kia, người ta có thể thấp thoáng thấy bức tượng Thúc Sinh, Từ Hải như ngụ ý những tứ thơ tiếp trong chuỗi cuộc đời đẫm nước mắt của nàng Kiều.

    Với niềm say mê Kiều và ý tưởng táo bạo của mình, vườn Kiều của lão đã được UBND tỉnh trao giải thưởng “Phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động, học tập”. Vậy là, bên cạnh việc nuôi heo giỏi nhất vùng, lão còn có một khu vườn độc nhất khiến giới văn chương phải ngưỡng mộ một lão nông có niềm đam mê vô tận với Truyện Kiều.

    Nhật Lệ
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 51
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-chan-dat-bien-trang-trai-nuoi-heo-thanh-vuon-truyen-kieu-doc-nhat-vo-nhi-a268815.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan