Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Nature", đại dương có thể sẽ trông đẹp hơn bởi màu xanh lam sẽ trông đậm hơn vì sự nóng lên của trái đất.
Khi màu sắc của đại dương thay đổi, nó sẽ khiến màu của cả hành tinh cũng thay đổi theo bởi các đại dương bao phủ 70% diện tích trái đất. Các nhà khoa học cho hay, một thế kỷ sau, trái đất sẽ đổi màu so với hiện tại.
Các đại dương gần xích đạo sẽ trông càng xanh lam đậm hơn sau 1 thế kỷ - Ảnh: RTL. |
Các đại dương có màu sắc như: ngọc lam, xanh lam, xanh thẫm... là do quần thể tảo và thực vật phù du có trong nước biển. Ánh sáng phản xạ vào nước bị thay đổi theo số lượng vi sinh vật có trong đó. Trong khi sự nóng lên của khí hậu trái đất sẽ làm thay đổi đáng kể cuộc sống của các loài sinh vật dưới nước.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Nature", đến năm 2100 màu sắc của các đại dương sẽ thay đổi. Nó có thể sẽ trông đẹp hơn, do màu xanh lam trở nên đậm hơn.
Do sự nóng lên toàn cầu, nước trong các đại dương trở nên có tính axit mạnh hơn, làm giảm số lượng thực vật phù du tại một số nơi, đặc biệt tại các vùng nhiệt đới gần xích đạo khiến nước biển có màu xanh lam đậm hơn.
Ngược lại, những vùng biển gần hai cực lại nhờ nước biển ấm hơn khiến vi tảo phát triển làm nước có màu xanh lục hơn.
Theo ước tính, một nửa bề mặt đại dương sẽ bị ảnh hưởng. Sự thay đổi này có thể đáng ngại vì thực vật phù du đóng vai trò là nguồn thức ăn cho các sinh vật biển nhỏ; các sinh vật biển nhỏ lại là thức ăn cho cá, mực và động vật có vỏ. Nếu quần thể thực vật phù du giảm quá thấp, các nghề cá quan trọng ở một số khu vực nhất định có thể bị xóa sổ.
Sự thay đổi màu sắc có thể sẽ khó nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng các vệ tinh quan sát Trái đất sẽ phát hiện ra những thay đổi này, giúp các nhà khoa học nhận ra rằng các hệ sinh thái biển đã trải qua một sự thay đổi đáng kể và đáng ngại.
Minh Minh(Theo RTL)