Các phi hành gia của nhiệm vụ Apollo 14 đã phát hiện ra hòn đá lâu đời nhất Trái Đất ở trên Mặt Trăng, đặt ra nhiều câu hỏi về lịch sử kiến tạo của Trái Đất.
Hòn đá lâu đời nhất Trái Đất. Ảnh: CNN |
"Đá Mặt Trăng" có thể đã xuất hiện trên Mặt Trăng sau khi gặp tác động khiến nó rơi từ Trái Đất sang 4 tỷ năm trước, kết quả một nghiên cứu được công bố hôm 24/1 trên tạp chí Khoa học Trái Đất và Hành tinh.
Các nhà nghiên cứu tin rằng một sao chổi hoặc tiểu hành tinh lớn đã đâm vào Trái Đất khiến tảng đá xuyên qua bầu khí quyển và vào không gian. Khả năng này là hoàn toàn có thể vì vào thời điểm đó, Mặt Trăng gần Trái Đất hơn ít nhất 3 lần so với hiện nay.
Đá chứa thạch anh, fenspat và zircon, rất phổ biến trên Trái đất nhưng không nhiều trên Mặt Trăng. Một phân tích về đá cho thấy nó hình thành ở nhiệt độ như nhiệt độ ở Trái Đất và trong một điều kiện giống như Trái Đất kết hợp với oxy. Nó kết tinh trong khoảng 4 tỷ - 4,1 tỷ năm trước, khi Trái Đất còn “trẻ”, nằm ở độ sâu khoảng 20km bên dưới bề mặt.
Nếu hình thành trên Mặt Trăng, hòn đá sẽ phản ánh các điều kiện nhiệt độ khác nhau. Nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích đá bằng nhiều kỹ thuật khác nhau để tìm ra dấu hiệu va chạm nhưng chưa có kết quả.
Trong khi đó, nhiều người cũng bày tỏ hoài nghi với giả thuyết Trái Đất bị va chạm và hòn đá “rơi” vào Mặt Trăng. Ông David Kring, nhà điều tra chính của Trung tâm khám phá và khoa học âm lịch cho rằng một số nhà địa chất trong cộng đồng khoa học sẽ không chấp nhận phát hiện này vì nó có vẻ gây tranh cãi. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận Trái Đất đã chịu một số tác động trong thời kỳ Hadean, khi hành tinh này hình thành cách đây 4,6 tỷ năm.
"Đó là một phát hiện phi thường giúp vẽ nên một bức tranh rõ nét hơn về Trái Đất thủa sơ khai và những vụ va chạm đã biến đổi hành tinh của chúng ta trong buổi bình minh của sự sống", ông Kring nói trong một tuyên bố.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)