(ĐSPL) - Chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tạo sức ép lớn chưa từng có với các đại cử tri Cộng hòa trước thềm bỏ phiếu chính thức chọn chủ nhân Nhà Trắng mới.
Các đại cử tri Đảng Cộng hòa đang phải nhận hàng ngàn bức thư khủng bố tinh thần, những lời dọa giết để gây sức ép khiến họ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong ngày 19/12. Thông tin được dẫn lại từ Telegraph của VTC News.
Mary Barket, đại cử tri lâu năm của Đảng Cộng hòa tại bang Pennsylvania cho rằng: "Điều này chưa từng xảy ra". Cô cũng nói, để tránh rủi ro đã không mở những lá thư đe dọa tuy nhiên vẫn cảm thấy 'rất không thoải mái'.
Trước đó, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Nga có liên quan đến việc can thiệp vào kết quả bầu cử Mỹ đầu tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này.
Những người biểu tình phản đối Trump ở Miami, Mỹ hôm 11/11. Ảnh: AP. |
Mặc dù vậy, vẫn không ít người đang tìm cách để thay đổi kết quả bầu cử, trong đó có việc gây áp lực để các đại cử tri bỏ phiếu khác so với thống kê phiếu phổ thông ở bang mình đại diện.
Theo Telegraph, càng cận kề ngày bỏ phiếu, càng nhiều đại cử tri Mỹ nhận được những lời đe dọa. Đó có thể là điện thoại, thư nặc danh hoặc là những lời đe dọa công khai.
Jim Rhoades, đại cử tri Đảng Cộng hòa ở Michigan nói: "Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng lại bị quấy rối đến mức này. Công việc của tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều".
Theo Tri thức trực tuyến, tình hình còn nghiêm trọng hơn ở Pennsylvania. Khoảng 20 đại cử tri đã phải nhờ đến sự bảo vệ của lực lượng cảnh sát.
AP đã phỏng vấn 330 trong tổng số 538 đại cử tri và kết quả cho thấy chỉ duy nhất 1 đại cử tri Cộng hòa tuyên bố không bỏ phiếu cho Trump theo cam kết.
Trong khi đó, Lawrence Lessig, giáo sư luật của Đại học Harvard, cuối tuần trước nói rằng ông biết ít nhất 20 đại cử tri Cộng hòa sẵn sàng quay lưng với nhà tỷ phú.
Để lật ngược tình thế, ít nhất 37 đại cử tri của đảng Cộng hoà cần rút cam kết bỏ phiếu cho ông Trump. Đây là con số cao và việc này rất khó xảy ra.
Điều II, Khoản 1 (Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) Theo thể thức mà cơ quan lập pháp ở đó qui định, mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ mà bang sẽ bầu ra trong Quốc hội. Nhưng không một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đảm nhiệm chức vụ có lợi tức sẽ được chọn làm đại cử tri. Các đại cử tri sẽ họp ở bang của mình và bỏ phiếu bầu hai người và ít nhất một trong hai người không phải là cư dân trong cùng một bang với người kia. Họ sẽ lập bản danh sách về những người đi bầu và số phiếu bầu của mỗi người, ký và xác nhận vào danh sách, gắn xi niêm phong và chuyển lên cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ, đệ trình lên Chủ tịch Thượng viện. Với sự có mặt của Thượng viện và Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện sẽ mở tất cả cứ liệu đã được xác nhận và sẽ đếm số lượng phiếu bầu. Người có nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống, nếu như số phiếu bầu này chiếm đa số trong tổng số các đại cử tri được bầu ra, và nếu từ hai người trở lên có đa số phiếu bầu và có số phiếu bầu bằng nhau, thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu để bầu một trong những người đó làm Tổng thống. Nếu không người nào có đa số phiếu bầu, thì Hạ viện cũng theo thể thức như vậy, chọn 5 người có số phiếu bầu nhiều nhất trong danh sách để bầu ra Tổng thống. Nhưng trong việc bầu Tổng thống, công việc bầu cử tiến hành ở các bang, hạ nghị sĩ ở mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu tiến hành công việc này sẽ gồm một thành viên hoặc những thành viên thuộc hai phần ba số bang và điều cần thiết cho cuộc bầu cử phải gồm đại biểu của đa số các bang. Trong mọi trường hợp, sau khi bầu Tổng thống, người có số phiếu nhiều nhất do các đại cử tri bầu cho sẽ là Phó Tổng thống. Nhưng nếu từ hai người trở lên có số phiếu bầu bằng nhau, thì Thượng viện sẽ chọn trong số đó để bỏphiếu bầu ra Phó Tổng thống. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: https://www.whitehouse.gov/1600/constitution |
Tổng hợp