Theo quy định hiện nay, việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản không bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cho rằng việc này làm xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong giao dịch.
Báo VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng khi sửa Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này, Nhà nước cần đưa ra chính sách bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch bất động sản, cần thực hiện qua ngân hàng để đảm bảo mục tiêu phòng chống tham nhũng.
Ông Trịnh Xuân An (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh) cũng đồng tình với ý kiến này. Theo đó, giao dịch mua bán, chuyển nhượng hay cho thuê giữa các cá nhân nhưng có tính chất kinh doanh cũng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, không riêng giao dịch giữa doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án với người mua.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các chính sách lớn liên quan đến bất động sản, kinh doanh bất động sản, cũng như quyền, nghĩa vụ các bên liên quan và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Liên quan tới giao dịch bất động sản nên qua sàn hay không, tại thảo luận hôm nay (31/10), ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng hợp đồng mua bán không nên chỉ bắt buộc qua công chứng mà có thể qua sàn. Ông cũng đề xuất nếu có giấy xác nhận giao dịch qua sàn thì không cần qua công chứng, tức là trao cho sàn đúng chức năng tư vấn cho khách hàng và cung cấp thông tin thị trường cho nhà nước
Ông lập luận, sàn giao dịch bất động sản là 1 trong 3 yếu tố cấu thành thị trường bất động sản. Nếu sàn không chuyên nghiệp thì thị trường sẽ méo mó, nên cần điều chỉnh quy định trong luật để đưa môi giới bất động sản về đúng chức năng môi giới, tư vấn thay vì vừa mua vừa bán, "tay tung tay hứng gây nhiễu loạn thị trường" như trước đây.
"Luật mới phải quy định chặt chẽ hơn, sàn chỉ được thực hiện chức năng làm trung gian và phải chịu trách nhiệm trước các thông tin cung cấp cho khách hàng và cơ quan nhà nước", ông Cường nêu và đề xuất sàn không được tham gia vào mua bán mà chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch, tương đương phí công chứng; thù lao môi giới do hai bên thỏa thuận.
Tranh luận với ông Cường, ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ), cho rằng vai trò xác nhận của công chứng như bên thứ 3 cần thiết, vì thế đề nghị xác nhận mua bán chỉ thông qua công chứng. "Không thể tư duy theo kiểu lý thuyết như thế, có rất nhiều cách mua bán thông qua giá cả. Trước đây nhà cao tầng thông báo bán thì ngày hôm sau hỏi hết hàng. Nhưng ra sàn có ngay và giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi", ông nói.
Do đó, ông đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo, giao dịch bất động sản được tự do, không bắt buộc qua sàn. Nếu giao dịch tốt khách hàng sẽ thông qua sàn, ngược lại họ sẽ không tham gia.
Thông tin trên báo VOV, theo quy định hiện hành (Luật Kinh doanh bất động sản 2014) không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn. Trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Chính phủ đề xuất 2 phương án là: mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn, còn các giao dịch khác không bắt buộc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu tại kỳ họp 5 không đồng tình bắt buộc, mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận với quan điểm này, và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau giải trình, tiếp thu cũng không bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn, mà chỉ khuyến khích.
"Việc bắt buộc giao dịch bất động sản sẽ dẫn đến nguy cơ lợi dụng, không bảo đảm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững", Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Vân Anh (T/h)