+Aa-
    Zalo

    Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương

    (ĐS&PL) - Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi các chế độ, chính sách....

    Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

    Theo báo Tiền Phong, tại phiên họp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% trong năm nay, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh cần phải được quan tâm, là nhiệm vụ trên hết.Ông Khánh viện dẫn, theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 68 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 12% so với cùng kỳ 2023. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, đến đầu tháng 4 ở mức 1,6%, cho thấy khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục là một thách thức.

    Trong khi đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp suy giảm; còn thị trường bất động sản khó khăn. Đầu tư công góp phần cho tăng trưởng kinh tế nhưng “không thể kéo dài mãi”.

    Thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra, ông Khánh cũng đề nghị khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động đến sản xuất kinh doanh.

    Đại biểu Hoàng Quốc Khánh. Ảnh: Quochoi.vn

    Đại biểu Hoàng Quốc Khánh. Ảnh: Quochoi.vn

    “Tôi đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này để xem xét, quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế”, ông Khánh bày tỏ.

    Ông Khánh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm việc điều chỉnh tăng tiền lương cho các cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi, các chế độ chính sách đã ban hành đang lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính; đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chế độ chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ ngay từ 1/7.

    Cũng tại phiên họp, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

    Theo đại biểu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, được nhấn mạnh tại văn kiện đại hội Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

    Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao.

    Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương - 2

     

    Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng bất cập nêu trên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động.

    Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.

    Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả chỉ thị 21/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chiến lược, Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp phục vụ thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.

    Bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ai-bieu-quoc-hoi-e-nghi-som-cong-bo-phuong-an-ieu-chinh-tien-luong-a428478.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan