Sau khi Nhà nước Ngân hàng khẳng định sử dụng bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, Đại học FPT đã có phản hồi về vấn đề này.
Trước đó, ngày 26/10, Chủ tịch trường ĐH FPT, ông Lê Trường Tùng xác nhận việc cho sinh viên nộp học phí bằng bitcoin gây xôn xao thị trường.
Theo ông Tùng, một số sinh viên nước ngoài của Trường FPT không thể chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí do quy định khắt khe về quản lý ngoại hối tại nước sở tại, thậm chí có một số sinh viên phải nghỉ học dù ở nhà có tiền. Sau một thời gian tìm hiểu, trường chọn bitcoin bởi đây giải pháp khả thi nhất cho những sinh viên thuộc diện này.
Sau chia sẻ của ông, Ngân hàng Nhà nước đưa ra khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, bitcoin là một hiện tượng công nghệ, tài chính và hàng hóa mà các trường đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 phải hướng tới như một đối tượng nghiên cứu. Đại học FPT sẽ sớm tiến hành dự án nghiên cứu này.
Khác với dạng tiền tệ truyền thống, bitcoin dựa trên công nghệ và giá trị của đồng tiền này được đo bằng công sức khai thác công nghệ để tạo ra. Nhiều tổ chức, trường học, doanh nghiệp... hiện đã chấp nhận bitcoin như một phương tiện giao dịch trung gian.
Hàng ngàn máy ATM dành cho bitcoin đã được lắp đặt tại nhiều quốc gia. Người ta gọi bitcoin là tài sản ảo vì nó không sờ được, nhưng nó chính xác phải là một tài sản số - một tài sản tồn tại trên không gian số (không gian mạng) - có giá trị và giá trị của nó do thị trường quyết định.
Hiện đại học FPT chưa thu học phí bằng bitcoin, do đó không có biến động gì sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, các sinh viên này vẫn có thể sử dụng Bitcoin như một công cụ để đóng học phí bằng cách thông qua các khâu trung gian, chuyển đổi số Bitcoin này thành tiền để đóng học phí mà không gặp khó khăn gì.
“Đây là một vấn đề mới của nền kinh tế số mà chúng tôi không muốn thờ ơ... Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0. Việc chuyển thông điệp cho sinh viên về việc có thể sử dụng Bitcoin như một công cụ để đóng học phí cũng là một bước chúng tôi tiến tới gần hiện tượng công nghệ - tài chính này để nghiên cứu, tìm hiểu về nó”, ông Tùng chia sẻ.
Trước thông báo của Ngân hàng Nhà nước, ông Tùng cũng mong cơ quan quản lý nhà nước sớm có quy định về Bitcoin để tránh các tình huống không mong muốn về thuế, phí.
Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, đại diện truyền thông FPT cho biết, Đại học FPT mong muốn thử nghiệm bằng cách chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí cho trường. Việc này tạo sự thuận tiện cho sinh viên ngoại quốc, vì công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các sinh viên là một trở ngại lớn. Đồng thời trường kỳ vọng sẽ sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu. Cần nói rõ, việc thử nghiệm của trường cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường có khoảng 100 SV nước ngoài theo học, chiếm 1% số sinh viên đang theo học. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường. Đại học FPT sẽ triển khai phù hợp với những quy định pháp lý hiện nay. |
Minh Thư(T/h)