+Aa-
    Zalo

    Đại biểu "hiến kế" dùng lu chống ngập ở TP. HCM buồn vì sáng kiến bị hiểu sai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Giải pháp dùng lu chống ngập của tôi đưa ra không sai nhưng cách nói quá dân dã đã làm một số người hiểu sai và chế giễu. Tôi cảm thấy rất buồn”.

    "Giải pháp dùng lu chống ngập của tôi đưa ra không sai nhưng cách nói quá dân dã đã làm một số người hiểu sai và chế giễu. Tôi cảm thấy rất buồn”, Đại biểu HĐND TP. HCM Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ.

    PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Trong phiên họp HĐND TP.HCM vào chiều 12/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học - nhân học TP. HCM, đã đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập.

    Ý kiến này sau đó gây xôn xao dư luận, không ít người bày tỏ sự phản đối, cho rằng đây là đề xuất "hài hước, không khả thi"...

    Trao đổi với báo chí sáng 13/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết bà rất buồn khi cộng đồng mạng xã hội có phản ứng tiêu cực sau phát biểu của bà tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP. HCM.

    Nữ đại biểu HĐND cho biết, bà sinh ra và lớn lên từ nông thôn và không lấy mác PGS.TS để phát biểu mà lấy từ kinh nghiệm gốc gác của mình.

    "Chuyện cái lu là tôi dùng từ dân gian cho dễ hiểu và cũng vì thời gian tranh luận ngắn nên khó mà trình bày hết ý của mình", bà Xuân chia sẻ với VietNamNet.

    Khi theo dõi phản ứng của mạng xã hội, PGS.TS Hồng Xuân thấy nhiều người không chỉ phản ứng thông thường mà còn giễu cợt phát biểu của bà nhưng bên cạnh đó cũng có người ủng hộ.

    “Cũng có nhiều ý kiến thấu hiểu và ủng hộ. Các học trò của tôi tại đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM cũng động viên. Về phần mình, tôi sẽ không phản ứng lại vì có người hiểu, có người không hiểu và càng giải thích thì câu chuyện có thể sẽ càng đi xa, đôi khi chẳng hay ho gì”, bà Xuân chia sẻ.

    Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho hay trước đây JICA (Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản) từng có đề xuất, và cũng có một nhóm nghiên cứu về giải pháp này. Tại Nhật Bản có áp dụng ở Tokyo, và Đông Nam Á thì có Philippines, Indonesia áp dụng...

    Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Hồng Xuân diễn giải: "JICA cho rằng nếu TP. HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Không chỉ Nhật mà nhiều nước khác cũng dùng. Đây là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Năm 2015, Trung tâm quản lý nước và khí hậu - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng từng đề xuất một đề án làm hồ chống ngập tại gia, theo nguyên lý tích tiểu thành đại, bất cứ công sở, nhà dân nào cũng có thể thực hiện. Báo chí tại thời điểm đó cũng đưa tin rất nhiều về đề án này. Các bài báo đó vẫn còn trên mạng".

    “Tôi từng tới Philippines. Ở đó người dân có một cái cái xe ba bánh và đặt trên đó một cái thùng nước. Khi ngập cục bộ thì người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng đó. Khi hết mưa, hết ngập họ lại dùng chính nước đó để rửa, tưới tiêu”, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM cho hay.

    Trước một số ý kiến cho rằng, nếu áp dụng theo đề xuất này thì có thể gây bùng phát lại dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh, đây chỉ là giải pháp tạm thời ngay lúc mưa to, do đó không nên quá lo lắng việc này.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-bieu-hien-ke-dung-lu-chong-ngap-o-tp-hcm-buon-vi-sang-kien-bi-hieu-sai-a284071.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan