+Aa-
    Zalo

    Đại án đăng kiểm: Ký hiệu đặc biệt trên những chiếc phong bì chứa USD

    (ĐS&PL) - Qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, có thể thấy các trung tâm đăng kiểm đều dùng “chiêu trò” tương tự nhau để ép chủ phương tiện phải “chung chi”.

    Sau gần nửa tháng, phiên xét xử 254 bị cáo trong vụ sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kết thúc phần xét hỏi. Các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như truy tố của VKS, Vietnamnet thông tin.

    Phiên tòa xét xử sáng 30/7. Ảnh: CAND

     Phiên tòa xét xử sáng 30/7. Ảnh: CAND

    Lật tẩy chiêu trò

    Cụ thể, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ lên cabin kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào các vị trí như cần gạt số, hộc đựng đồ, trong bao thuốc lá... hay không. Nếu có, đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn.

    Nếu trên xe không có tiền, đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định lần 1 “Không đạt” và yêu cầu chủ xe phải khắc phục mới cho kiểm định lần 2.

    Trong khi đó, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, khi xe vào, đăng kiểm viên khi lên cabin kiểm tra nếu thấy có để tiền sẽ bật đèn chiếu sáng trước và đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu trên xe không có tiền hối lộ, đăng kiểm viên chỉ để đèn cảnh báo nguy hiểm.

    Theo đó, muốn quá trình kiểm định đạt, hầu hết chủ phương tiện phải để tiền trên xe, hối lộ cho các đăng kiểm viên.

    Việc chủ các phương tiện đăng kiểm phải đưa hối lộ được cụ thể với các mức giá khác nhau như: xe dưới 9 chỗ đến 16 chỗ sẽ có giá 150 ngàn đồng; từ 16 chỗ đến 45 chỗ và xe tải dưới 5 tấn là 200 ngàn đồng; xe tải từ 5 tấn, xe đầu kéo là 300 ngàn đồng…cho 1 lần kiểm định, theo báo Công an Nhân Dân.

    Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Trọng Vĩnh (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-15D) còn cho bị cáo Vũ Hữu Bình (nhân viên giám sát) đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới để nhận hối lộ của chủ phương tiện.

    Để quản lý, bị cáo Phạm Kim Anh (nhân viên tiếp nhận hồ sơ) đã ghi lại ký hiệu của từng đối tượng môi giới vào góc trái phía dưới của phiếu theo dõi. Theo đó, nếu là phương tiện của Lê Bá Dũng đưa vào thì ký hiệu “D”, của Phạm Minh Hiền ký hiệu chữ “H”, của Đoàn Chiến Thắng ký hiệu chữ “TVP”, của Vũ Hữu Bình nhận trực tiếp thì ký hiệu chữ “B”…

    Để tạo điều kiện cho các đối tượng môi giới đưa nhiều xe vào kiểm định, bị cáo Vĩnh đã chỉ đạo nhân viên cho nợ tiền phí, cuối ngày tổng kết lại thu một lần.

    Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Vietnamnet.

    Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Vietnamnet.

    Áp lực "chung chi"

    Về việc nhận hối lộ, giám đốc các trung tâm đều có chung lý do là muốn cải thiện đời sống anh em và có tiền "chung chi" cho 2 cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà.

    Tháng 8/2016, Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V trong thời gian mới được bổ nhiệm, đã có nhiều cuộc họp nghiêm cấm việc nhân viên ở trung tâm nhận hối lộ để bỏ qua lỗi đăng kiểm.

    Tuy nhiên với “áp lực” phải “chung chi” cho cấp trên, sau 1 thời gian làm giám đốc, nhiệt huyết chống tiêu cực giảm dần, Long cho phép nhân viên nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện khi xe vào đăng kiểm đạt.

    Từ tháng 8/2016 đến tháng 5/2022, trung tâm này đã nhận hối lộ hơn 16 tỷ đồng, riêng bị cáo Long hưởng lợi gần 1,1 tỷ.

    Để "bôi trơn" cấp trên hàng tháng khi ra Hà Nội họp với Cục, bị cáo Long đổi tiền Việt sang USD để vào phong bì rồi ghi ngắn gọn dòng số "5006V" sau đó đưa cho Đặng Việt Hà.

    Giống như bị cáo Nguyễn Thanh Long, tháng 10/2017, bị cáo Ngô Ngọc Sơn về làm Giám đốc trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V đã mở các cuộc họp nghiêm cấm nhân viên trong trung tâm nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi khi kiểm định.

    Việc “siết” nhân viên không nhận hối lộ kéo dài khoảng 10 tháng, đến tháng 8/2018, với áp lực về doanh thu, tiền lương, tiền thưởng cho nhân viên trung tâm cộng với tiền “bôi trơn” cho cấp trên, Sơn đã bàn bạc với thống nhất cùng Trần Hữu Thông và Nguyễn Hồng Quang cùng với các ĐKV về việc nhận tiền của chủ các phương tiện để bỏ qua lỗi, kiểm định đạt cho các phương tiện đăng kiểm.

    Tại tòa, trả lời HĐXX, bị cáo Sơn thật thà thuật lại việc “động viên” nhân viên nhận hối lộ: "Thôi thì kiểm tra nới nới cho người dân, nếu phương tiện có những lỗi nhỏ thì nhắc nhở chủ phương tiện. Nếu chủ phương tiện đưa "bồi dưỡng" thì nhận để tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân viên của trung tâm cũng như có chi phí để trung tâm ngoại giao".

    Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V có 5 chuyền kiểm định, bị cáo Sơn quy định mỗi tháng 1 chuyền sẽ đưa cho Sơn 10 triệu đồng, từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2022, mỗi chuyền kiểm định sẽ nộp cho Sơn 15 triệu đồng.

    Khi được HĐXX hỏi về số tiền nhận được từ các chuyền kiểm định, Sơn đã sử dụng vào mục đích gì, bị cáo Sơn khai dùng 1 phần số tiền đó để hối lộ cho bị cáo Trần Kỳ Hình và bị cáo Đặng Việt Hà để lãnh đạo Cục tạo điều kiện tốt hơn cho trung tâm của mình, theo báo Công an Nhân Dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ai-an-ang-kiem-ky-hieu-ac-biet-tren-nhung-chiec-phong-bi-chua-usd-a452835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan