Nhiều đại biểu dẫn dắt từ thực tiễn, các đại án được đưa ra xét xử để chỉ rõ những điều thiếu sót trong Luật các tổ chức tín dụng.
Chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Bá Sơn chủ trì hội nghị. |
Hầu hết các đại biểu đồng quan điểm cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD lần này, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xử lý TCTD yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa sự yếu kém mới phát sinh; xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống. Việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật các TCTD cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét, bổ sung việc phá sản tổ chức tín dụng, phương án chi trả tiền gửi cá nhân. Theo quy định phá sản các tổ chức tín dụng, bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền được xác định là chủ nợ của ngân hàng. Điều khiến nhân dân cảm thấy hoang mang, nếu trong trường hợp ngân hàng bị phá sản, dù người dân gửi nhiều tiền bao nhiêu thì cũng chỉ được chi trả mức cao nhất là 75 triệu đồng. Điều này khiến người dân lo lắng, luật sửa đổi cần phải đặc biệt lưu ý điều này.
Với dự luật mới, lần này có nhiều nội dung sửa đổi. Các nội dung sửa đổi chủ yếu là về nghiệp vụ ngân hàng nên được tích hợp sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam sẽ có điều kiện đánh giá tốt hơn. Hiện tại, sự thành lập quá dễ dãi, chạy theo tăng trưởng tín dụng “nóng”, tạo ra kẻ hở, nhiều ngân hàng thể hiện sự yếu kém, để xảy ra tình trạng nợ đọng, nợ xấu. Điều này rất đáng tiếc.
Nhiều đại biểu, chuyên gia tham dự hội nghị. |
Thời gian qua, nhiều đại án ngân hàng được đưa ra xét xử. Trong đó, ngân hàng mất khả năng thanh toán. Điều đáng nói, khi mất khả năng thanh toán, các ngân hàng này tìm mọi cách che giấu và khắc phục. Chỉ khi không có khả năng khắc phục nữa, các ngân hàng này mới bị phát hiện.
Do đó, nên xem xét điều chỉnh việc quan sát, xem xét, nếu nhận thấy có nguy cơ, khả năng mất thanh toán thì Ngân hàng Nhà nước có quyền đưa vào diện quản lý đặc biệt. Điều này tránh việc các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng như trong thời gian qua. Đồng thời, cũng cần xem xét sửa đổi về việc quy định mua ngân hàng với giá 0 đồng. Bởi hiện tại, chưa có bất kì quy định nào về điều này.