Tại cuộc họp do Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương tổ chức vào chiều 7/1, GS.Nguyễn Quốc Triệu cho biết trường hợp đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã có người hiến tủy.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Triệu nói: "Gia đình ông Thanh đề nghị và chúng tôi báo cáo cấp trên và được đồng ý để đưa đồng chí Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng điều trị cho gần nhà. Các giáo sư đầu ngành sẽ vào Đà Nẵng hội chẩn và điều trị hàng ngày, chủ yếu là can thiệp, dùng thuốc nào. Tuy điều trị ở Đà Nẵng nhưng chất lượng thuốc men là ở Trung ương”.
Cũng theo GS. Nguyễn Quốc Triệu - Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, muốn ghép tủy thì phải trải qua các đợt hóa trị. Hóa trị đạt yêu cầu thì sẽ được ghép tủy ngay. Và trường hợp của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, đã có người hiến tủy. Nếu điều trị hóa trị mà chưa đạt thì cần ngưng để nâng cao thể trạng. Ông Nguyễn Bá Thanh về Việt Nam chưa ghép tủy được nhưng là để nâng cao thể trạng. Về khả năng hồi phục của ông Nguyễn Bá Thanh, GS.Nguyễn Quốc Triệu nhận định tiềm năng của con người là khôn lường. Sinh-lão-bệnh-tử ai cũng phải trải qua. Nói tới bệnh tật là chuyện không ai muốn. “Có người dân nhắn cho tôi là hàng triệu người dân đang chờ thông tin, bác xem thế nào”- ông Triệu nói.
TS.Nguyễn Quốc Triệu (giữa), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ (trái) và GS.TS Phạm Gia Khải cung cấp thông tin về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh. |
GS.Bạch Quốc Khánh cho biết, bệnh rối loạn sinh tủy, y học thế giới cũng chưa xác định được nguyên nhân và chưa tìm ra được cách để điều trị đặc hiệu nên chỉ điều trị chung chung như phác đồ phía Mỹ đang tiến hành. Nếu tiến triển thuận lợi, bệnh nhân sẽ được ghép tế bào gốc máu ngoại vi.
Vậy nên trường hợp ông Thanh, một trong những bệnh nằm trong hội chứng rối loạn sinh tủy cũng không thể nói được là nguyên nhân vì đâu. Ông Khánh khẳng định lãnh đạo Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương đã bác bỏ thông tin về việc ông Thanh bị đầu độc vì không thể xác định việc này.
“Có một số yếu tố nguy cơ làm phát sinh bệnh này nhưng nguồn nguy cơ có rất nhiều từ môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm mỗi người tiếp xúc dùng hàng ngày. Đó đều có thể là yếu tố nguy cơ làm bệnh phát triển. Viện của chúng tôi có riêng một tầng dành cho bệnh nhân rối loạn sinh tủy. Ở khoa đó có 130-140 bệnh nhân nằm điều trị, không dưới 60 bệnh nhân bị hội chứng rối loạn sinh tủy với tất cả cấp độ” – ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh: “Nếu ghép được tủy thì có hi vọng đẩy lui được căn bệnh. Nếu sau điều trị, người bệnh không có các dấu hiệu bệnh trạng thì có thể xác định bệnh được đẩy lui hoàn toàn, thời gian càng lâu thì chất lượng cuộc sống của người bệnh sau đó càng được đảm bảo. Và việc điều trị của ông Nguyễn Bá Thanh ở Việt Nam sẽ có sự hỗ trợ tốt nhất của các giáo sư, chuyên gia của Mỹ.