+Aa-
    Zalo

    Cựu tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu nêu điều kiện để Ukraine chiến thắng

    (ĐS&PL) - Cựu Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu Philip Breedlove cho rằng, vẫn còn một con đường mang lại hy vọng cho Ukraine và cuộc xung đột sẽ kết thúc đúng như cách mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây mong muốn.

    Theo thông tin trên Newsweek, cựu Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu Philip Breedlove đã vạch ra 3 kịch bản cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai trong số đó liên quan đến chiến thắng của Nga.

    “Nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì khác so với hiện tại thì cuối cùng Ukraine sẽ thua vì Moscow có nhiều nhân lực và năng lực lớn hơn Kiev. Nếu phương Tây từ bỏ Ukraine, họ vẫn chiến đấu dũng cảm nhưng sẽ có thêm hàng chục nghìn người Ukraine thiệt mạng, cuối cùng Nga sẽ giành chiến thắng”, ông Philip Breedlove bày tỏ.

    Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có một con đường mang lại hy vọng cho Ukraine: “Nếu phương Tây lựa chọn cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để chiến thắng, Kiev sẽ giành thắng lợi trong cuộc xung đột này. Cuộc xung đột sẽ kết thúc đúng như cách mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây mong muốn”.

    Nhu cầu cần thêm vũ khí phương Tây khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gấp rút đưa ra yêu cầu trong tuần trước, rằng cuộc chiến chống lại Nga không phải chỉ của riêng Kiev.

    Lời cảnh báo của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ quay trở lại Washington, sau khi một nhóm nghị sĩ trong đảng Cộng hòa phản đối gói viện trợ trị giá 61,4 tỷ USD cho Ukraine trước Giáng sinh 2023.

    cuu tu lenh toi cao luc luong dong minh nato o chau au neu 3 kich ban cho xung dot nga ukraine1
    Cựu Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu Philip Breedlove cho rằng vẫn còn một con đường mang lại hy vọng cho Ukraine trong cuộc xung đột. Ảnh minh họa: Reuters

    Trong thời gian Quốc hội Mỹ tạm nghỉ, Ukraine đối mặt với các cuộc tập kích liên tiếp của Nga trong 5 ngày vào dịp năm mới. Hơn 500 tên lửa và máy bay không người lái đã nhắm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine , phá hủy một bệnh viện phụ sản, trường học, các căn hộ và khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.

    Những lời kêu gọi chấm dứt viện trợ của Mũ cho Ukraine, vốn trị giá tổng cộng hơn 79 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra, đã nhận được sự quan tâm trong chiến dịch tranh cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

    Ông Tom Malinowski - cựu Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và cựu trợ lý ngoại trưởng trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng việc phe Cộng hòa ngăn cản nỗ lực giúp đỡ Ukraine khiến khả năng Nga giành chiến thắng cao hơn một chút.

    Newsweek đưa tin, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 3, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ một số nhà lập pháp Mỹ yêu cầu Tổng thống Zelensky tham gia đàm phán và nhượng lại lãnh thổ. Tuy nhiên, đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington (Mỹ) hồi tháng 12/2023 đã nêu những hậu quả tàn khốc của việc đóng băng xung đột, thậm chí tệ hơn là chiến thắng giành cho Nga.

    “Dù Ukraine, Mỹ và các đồng minh của chúng tôi quyết định làm gì để đưa cuộc xung đột đến một kết thúc có lợi trong năm tới thì đều phụ thuộc vào việc thông qua gói viện trợ này, nếu không Nga sẽ giành được sự tự tin, động lực và đòn bẩy”, ông Malinowski  bày tỏ.

    Cuộc phản công bắt đầu vào tháng 6/2023 của Ukraine đã không mang đến kết quả như Kiev và các đồng minh mong đợi. Ông Breedlove nêu ý kiến: “Xung đột bắt đầu với ưu thế trên không. Chúng ta chưa trao cho Ukraine những gì họ cần để thiết lập ưu thế trên không”.

    Cựu Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu cũng lưu ý, Ukraine đã được cung cấp một số vũ khí tầm ngắn, tuy nhiên, hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ là các biến thể cũ, với đầu đạn chùm kém hiệu quả hơn các phiên bản hiện đại.

    Trong khi đó, chuyên gia chính sách cấp cao Gustav Gressel tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận định, cuộc phản công của Kiev đã bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc cung cấp các phương tiện cơ động bọc thép.

    Theo ông Gressel, các phương tiện chiến đấu Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard do Đức sản xuất sẽ hiệu quả hơn nếu được chuyển giao khi tính toàn vẹn của lực lượng cơ giới Ukraine tốt hơn.

    Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cuộc chiến giành Bakhmut ở Donetsk cũng có ảnh hưởng không nhỏ: “Ukraine đã phạm sai lầm. Họ mắc kẹt quá lâu tại Bakhmut, dẫn đến mất đi rất nhiều binh sĩ giàu kinh nghiệm”.

    Không chỉ việc thiếu yểm trợ trên không tác động đến cuộc phản công của Ukraine, theo chuyên gia Gressel, “phương Tây đã đánh giá thấp tốc độ tác chiến điện tử của Nga đối với loại đạn chính xác được điều khiển bằng GPS, khiến nó kém hiệu quả hơn”.

    cuu tu lenh toi cao luc luong dong minh nato o chau au neu 3 kich ban cho xung dot nga ukraine
    Pháo của lực lượng Ukraine khai hỏa ở Donetsk. Ảnh: Reuters

    “Tôi vô cùng lo lắng cho năm nay vì đây sẽ là một năm rất khó khăn đối với Ukraine. Chúng tôi chưa tăng cường sản xuất đạn dược cho ngay cả các loại đạn pháo và súng cối đơn giản để có thể mang lại cho Ukraine ưu thế về hỏa lực”, ông Gressel chia sẻ. Dù vậy, ông hy vọng tình hình sẽ tốt hơn vào năm 2025 nếu chuỗi cung ứng vũ khí và huấn luyện của quân đội Ukraine được cải thiện.

    Trao đổi với Newsweek, ông Viktor Kovalenko - nhà phân tích quốc phòng và cựu quân nhân Ukraine cho rằng, đã đến lúc các đối tác phương Tây của Ukraine chuyển sang một chiến lược mà đã được chứng minh hiệu quả trước đó. Điều này có nghĩa “ngăn chặn và kiềm chế Nga ở bất cứ nơi nào và bất cứ điều gì họ cần tại Ukraine, cũng như dọc biên giới NATO”.

    XEM THÊM: Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 15/1: Tình thế khó khăn của Ukraine tại mặt trận miền Đông

    Ukraine gần như đã giành lại được quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Tây Bắc Biển Đen, buộc hải quân Nga di chuyển về phía Đông và Đông Nam. Trên đất liền, lực lượng Ukraine đã có bước tiến đủ để bắt đầu sử dụng hỏa lực pháo binh tầm ngắn nhằm vào cây cầu dẫn đến Crimea, nơi Kiev thường xuyên tấn công.

    Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, được cho sẽ định hình an ninh của châu Âu trong vài thập kỷ tới, không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ.

    Tháng 12/2023, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine. Nếu không có gói viện trợ này, Tổng thống Zelensky cho rằng Kyiv sẽ “khó duy trì khi xung đột bước sang năm thứ 3 vào ngày 24/2”.

    “Sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine nên tập trung lại vào việc xây dựng các công sự và khả năng phòng thủ đa tầng ở Ukraine, huấn luyện tân binh, thúc đẩy sản xuất vũ khí của họ để bất cứ nỗ lực nào của Nga nhằm tấn công hoặc kiểm soát thêm lãnh thổ sẽ đối mặt với hỏa lực và cơn thịnh nộ”, ông Kovalenko bày tỏ ý kiến.

    Đinh Kim(Theo Newsweek)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-tu-lenh-toi-cao-luc-luong-dong-minh-nato-o-chau-au-neu-dieu-kien-de-ukraine-chien-thang-a607311.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan