Chiều 19/3, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 10 cựu cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Navibank về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Navibank) 13 năm tù, Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tiền tệ) 11 năm tù, Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng pháp chế Navibank) 7 năm tù. 7 bị cáo còn lại từ 7-12 năm tù cùng về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị cáo của Ngân hàng Navibank tại tòa. Ảnh: Đời sống & Pháp lý |
Ngoài mức án dành cho các bị cáo, HĐXX còn tuyên buộc Navibank phải có trách nhiệm nộp lại 24,3 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Đây là số tiền mà các cơ quan tố tụng xác định là thu lợi bất chính trong vụ án.
Đồng thời, tòa còn kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ nhân viên Vietinbank có hay không giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng Phòng Vietinbank Chi nhánh Điện Biên Phủ, TP HCM) chiếm đoạt tiền của Navibank.
HĐXX nhận định quá trình điều tra của cơ quan tố tụng đúng pháp luật, không có căn cứ cho thấy xảy ra tình trạng ép cung. Các bị cáo được tại ngoại viết tường trình đúng quy định pháp luật.
Việc VKS không đưa các tài liệu như sao kê, bản án phúc thẩm số 02... liên quan đến số tiền chiếm đoạt tại Navibank, dẫn đến thiếu tính xác thực; tuy nhiên, HĐXX xét thấy điều này không ảnh hưởng đến tính chất của vụ án.
Các bị cáo đã lập các hợp đồng giả nhằm hưởng lãi suất cao và Navibank đã hưởng lợi số tiền hơn 24,3 tỷ đồng nhờ lãi suất ngoài. Tài sản đảm bảo không cân đối với số tiền cho vay, không phù hợp với luật Tổ chức Tín dụng 2010, thông tư số 02.
Do vậy, HĐXX cho rằng các bị cáo đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. HĐXX cũng nhận định quan điểm của các bị cáo, luật sư về việc thân chủ của họ không phạm tội là không có căn cứ.
Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như lấy danh nghĩa Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, để huy động tiền. Như đã gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện các đơn vị, cá nhân rồi hứa hẹn trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới.
Khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào tài khoản, Huyền Như đã lập các chứng từ, giả chữ ký chủ tài khoản, rồi dùng tiền chiếm đoạt được để trả nợ vay cá nhân của Huyền Như. Trong số gần 4.000 tỷ đồng chiếm đoạt, Navibank bị thiệt hại 200 tỷ đồng.
Tháng 11/2010, Huyền Như biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được từ các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao. Huyền Như thông qua Võ Anh Tuấn để thỏa thuận với Navibank, gửi tiền vào VietinBank với lãi suất 16,5%/năm, lãi ngoài hợp đồng từ 2,5 đến 8,5%/năm.
Tháng 4/2011, ông Lê Quang Trí (lúc này là Tổng giám đốc Navibank) chủ trì cuộc họp Hội đồng tín dụng, thống nhất chủ trương lách luật, cấp tín dụng 1.543 tỷ đồng cho 14 nhân viên đứng tên hợp đồng tiền gửi vào Vietinbank.
Tổng số tiền lãi Navibank thu được là gần 76 tỷ, trong đó lãi chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 24 tỷ đồng. Đến ngày 7/9/2011, Navibank đã nhận 1.343 tỷ đồng tiền gốc, còn 200 tỷ bị Huyền Như chiếm đoạt.
Vi An (T/h)