(ĐSPL) – Sau gần 2 ngày vượt biển, tàu cứu hộ đã lai dắt tàu cá cùng 7 ngư dân Bình Định bị nạn trên biển về Đà Nẵng an toàn.
Theo tin từ VOV.VN, vào khoảng 7h30 ngày 2/12, tàu 628 Vùng 3 Hải quân đã lai dắt tàu cá BĐ 96344 TS, do ông Đinh Công Quang (46 tuổi), quê ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 7 ngư dân tỉnh Bình Định bị nạn trên biển về đến Đà Nẵng an toàn.
Tàu cá BĐ 96344 TS được tàu cứu hộ 628 Vùng 3 Hải quân lai dắt về Đà Nẵng an toàn. Ảnh: VOV.VN |
Trước đó, lúc 5h ngày 30/11, tàu cá BĐ 96344 TS, khi đang đánh bắt cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) về phía Đông khoảng 70 hải lý thì bị hỏng máy, trôi tự do trên biển.
Nhận được tin báo, lúc 12h20 cùng ngày, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân điều tàu 628 đi cứu nạn. Đến 8h ngày 1/12, tàu 628 tiếp cận được tàu bị nạn và lai dắt vào bờ. Các y bác sỹ quân y tiến hành khám sức khỏe, cấp thuốc cho ngư dân.
Trước đó, tin từ báo Quân đội nhân dân, sáng ngày 30/11, sau hơn 13 giờ vượt sóng to gió lớn, tàu 630 của Vùng 3 Hải quân đã tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân trên tàu cá QNg 92823 TS bị nạn cũng 11 thuyền viên tại khu vực biển Hoàng Sa về đất liền.
Quyết định 06/2014/QĐ-TTg phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển vùng nước cảng biển Điều 11. Trách nhiệm phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp 1. Người, phương tiện bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển Người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát thông tin cấp cứu - khẩn cấp theo quy định sau: a) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng hoặc Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hoặc các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết để yêu cầu trợ giúp; b) Trong trường hợp đề nghị lai dắt, cứu hộ, ngoài nội dung nêu tại Khoản 2 Điều 10 Quy chế này, cần thông báo thêm các thông số kỹ thuật của phương tiện cần lai dắt, cứu hộ để xác định phương án lai dắt, cứu hộ như: Trọng tải, chiều dài, chiều rộng, mớn nước của phương tiện; c) Bảo đảm việc duy trì liên lạc với người, cơ quan, tổ chức đã liên lạc để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp (thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc trực tiếp); d) Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trên biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn; đ) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc cứu nạn. 2. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển a) Trường hợp phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình; b) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình; c) Trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn (do mất an toàn về người, phương tiện của mình hoặc đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác) phải thông báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết. 3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn. 4. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và các hệ thống Đài thông tin tìm kiếm, cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn. 5. Các cơ quan được giao nhiệm vụ về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin; chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)