+Aa-
    Zalo

    Làm rõ vụ tàu cá của ngư dân bị đắm sau va chạm với tàu thanh tra

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đang đánh cá ngoài biển, một tàu cá của ngư dân xảy va chạm với tàu của lực lượng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, dẫn tới bị chìm.

    (ĐSPL) - Trong lúc đang đánh cá ngoài biển, một tàu cá của ngư dân đã va chạm với tàu của lực lượng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa nên dẫn tới bị chìm.

    Ngày 22/11, trao đổi với PV, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở này đã cử đoàn công tác cùng chính quyền địa phương làm việc với anh Dương Văn Đồng (SN 1981) ngư dân xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) để làm rõ vụ việc tàu cá số hiệu TH 01077-TS (52 CV) do anh làm thuyền trưởng bị chìm sau khi va chạm với tàu thanh tra thuộc Sở.

    Tàu cá của ngư dân sau khi va chạm đã hư hỏng và chìm trên biển.

    Theo lời kể của Đồng, vào ngày 16/11, anh đi biển từ cảng Lạch Bạng cùng 4 ngư dân trong xã để hành nghề giã cào. Đến 8h30 cùng ngày, khi thuyền đang đánh cá cách bờ khoảng 11 hải lý thì có một tàu vỏ thép chạy hướng về phía tàu của anh, va chạm vào mạn trái của thuyền.

    Sau đó, chiếc tàu này tiếp tục vòng qua mũi thuyền và va chạm vào mạn phải khiến tàu cá hư hỏng, vỡ kính cabin, 2 ngư dân trên thuyền rơi xuống biển.

    Anh Đồng thấy vậy đã gọi bộ đàm, nhờ tàu đánh bắt cá gần đó ứng cứu nên may mắn, 2 người rơi xuống biển đã được cứu vớt an toàn.

    Anh Dương Văn Đồng kể lại sự việc.

    "Tàu của tôi dù được 2 tàu cá lai dắt vào bờ nhưng đi được khoảng 3 hải lý thì nước tràn đầy khoang làm tàu bị chìm. Lúc bị va chạm, chúng tôi cũng không rõ tàu này ở đâu nhưng sau đó xem lại hình ảnh chúng tôi quay lại qua điện thoại thì thấy tàu sắt mang số hiệu TH 0002-KN, nghi vấn là tàu kiểm ngư Thanh Hóa” - anh Đồng nói.

    Sau khi va chạm, tàu vỏ sắt trên có dừng lại hút nước tràn vào tàu cá của ngư dân nhưng không được nên đã bỏ đi.

    Ông Hồ Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xác nhận có vụ việc trên và đã báo cáo sự việc cho Sở NN&PTNT Thanh Hóa.

    Về vụ việc này, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa thông tin, cơ quan này đã cử đoàn công tác phối hợp với các bên liên quan để kiểm tra, làm rõ. Vị này cho biết có thể còn phải điều tra từ cơ quan công an để xác định cụ thể.

    Tàu sắt của lực lượng Thanh tra chuyên ngành va chạm mạnh với tàu cá ngư dân.

    Ông Hoàng Văn Tân, Phó Chánh thanh tra Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho hay, ngày 16/11, tàu của Thanh tra Sở đi làm nhiệm vụ theo kế hoạch, trên tàu có 7 cán bộ và thuyền viên, khi đến khu vực trên phát hiện tàu cá ngư dân không ghi số hiệu, có dấu hiệu đánh bắt trên vùng biển bị cấm hành nghề lưới vây, tàu thanh tra ra tín hiệu dừng lại để kiểm tra nhưng tàu cá không chấp hành, bỏ chạy.

    Sau đó, tàu của đoàn thanh tra đuổi theo, trong quá trình cập mạn giữa hai tàu thì xảy ra va chạm dẫn đến chìm tàu ngư dân.

    Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa

    Điều 18. Vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu thuyền

    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

    a) Không có bảng phân công nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp tại các vị trí cần thiết hoặc có bảng phân công nhiệm vụ nhưng không phù hợp với thuyền bộ của tàu hoặc bảng quy định đã bị hư hỏng;

    b) Không có các bảng chỉ dẫn thao tác các thiết bị cứu sinh, cứu thủng tàu hoặc các bảng chỉ dẫn đã bị hư hỏng;

    c) Không có phiếu trách nhiệm cá nhân khi báo động ở những nơi quy định trên tàu hoặc phiếu trách nhiệm cá nhân không phù hợp với thuyền bộ của tàu;

    d) Thuyền viên không sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu sinh, cứu thủng của tàu.

    2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

    a) Cầu thang mạn không có lưới bảo hiểm hoặc đèn chiếu sáng theo quy định;

    b) Sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu thủng của tàu không đúng quy định.

    3. Đối với hành vi tàu thuyền không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu hoặc vượt quá mức cho phép của trang thiết bị cứu sinh trên tàu theo quy định; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:

    a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

    b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

    c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    TRIỀU DƯƠNG

    Xem thêm video:

    [mecloud]V2lgiorEOA[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-ro-vu-tau-ca-cua-ngu-dan-bi-dam-sau-va-cham-voi-tau-thanh-tra-a171022.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.