(ĐSPL) - Các cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng đều "than" rằng bị quyết định trên làm khó, khiến tình cảnh ngân hàng đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Theo báo Vietnamnet, ngày 10/8, phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần thẩm vấn của các luật sư.
Tại tòa hôm nay, một trong những nội dung được luật sư tập trung thẩm vấn là Quyết định số 12 của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với Trustbank (sau này là VNCB).
Bị cáo Phạm Công Danh bị áp giải vào tòa (Ảnh: Vietnamnet) |
Trả lời câu hỏi của luật sư: "anh có đọc kỹ quyết định 12 không?", bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) khẳng định "có". Bị cáo Mai khai theo quyết định trên ngoài một số nội dung còn quy định mọi giao dịch có trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải báo cáo và phải được Ban giám sát của NHNN phê duyệt.
Luật sư đặt câu hỏi: "như vậy theo quy định thì phải được chấp thuận của tổ giám sát thì mới được thực hiện đúng không?"
"Về nguyên tắc thì đúng như vậy nhưng thực hiện tùy từng trường hợp", bị cáo Mai nói. Bị cáo Phan Thành Mai cho rằng quyết định số 12 có nhiều bất cập. Bị cáo lấy ví dụ như 1 khách hàng gửi tiết kiệm 15 tỷ đồng, sau này muốn cầm cố sổ để vay ra 8 tỷ đồng nhưng quy định của chi nhánh lúc đó không cho cầm cố sổ tiết kiệm để rút tiền. Sau đó HĐQT và tổ giám sát họp, một thành viên tổ giám sát đã đưa ra công thức liên quan cho cầm cố sổ tiết kiệm, rồi sau đó việc này mới được thực hiện.
Thế nhưng, bị cáo Mai khai, ngân hàng nhiều khi làm việc cả thứ 7, phải làm cả ngoài giờ hành chính còn tổ giám sát chỉ làm giờ hành chính. Do vậy, công việc có ách lại.
"Nhiều hoạt động ngân hàng hoàn toàn thuần túy là hoạt động thôi nhưng lại phải chờ, gặp phải rào cản. Biết ngân hàng khó khăn, bị vào diện kiểm soát thì phải thế nhưng thực sự là công việc bị ách tắc. Mãi sau này tổ giám sát mới xét duyệt nhanh hơn sau khi lãnh đạo ngân hàng liên tục phản ánh", bị cáo Mai nói.
Luật sư đặt câu hỏi "bản chất ngân hàng là kinh doanh tiền tệ mà lại bị ách tắc bởi chính giới hạn 5 tỷ đồng. Theo anh, dưới góc độ kinh tế học, quyết định 12 có phải góp phần đẩy ngân hàng đến tình trạng của ngày hôm nay không?"
"Bị cáo xin phép không trả lời câu này nhưng lúc đó thực sự các thành viên lãnh đạo ngân hàng chịu rất nhiều áp lực", Phan Thành Mai bày tỏ.
Cũng liên quan đến quyết định 12, luật sư có đặt câu hỏi với bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn): "bị cáo cho rằng chính quy định 12 khiến ngân hàng phá sản?" - "Bị cáo không nói quy định đó khiến ngân hàng phá sản nhưng thực sự nó đẩy ngân hàng đến tình trạng khó khăn hơn", bị cáo Quyết trình bày.
Cũng trong phần thẩm vấn tại tòa về hành vi lập đề án nâng cấp Corebanking, thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành... để rút hàng trăm tỷ đồng, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Lê Công Thảo đều khẳng định những việc làm trên đều xuất phát từ nhu cầu có thực của VNCB, đều có trong đề án tái cơ cấu.
Bị cáo Mai khai những khoản chi thực tế của Phạm Công Danh cho VNCB rất lớn. Do cơ chế không rút được tiền nên bị cáo Danh và Phan Thành Mai phải dùng cách trên.
VOV thông tin, tại phiên tòa, trả lời luật sư Nguyễn Quang Anh, bị cáo Phạm Công Danh khai nhận, việc nâng cấp hệ thống Corebanking là cần thiết cho hoạt động ngân hàng, là nhu cầu có thật. Tuy nhiên, trên thực tế do tình hình khó khăn tại ngân hàng lúc đó nên bị cáo “mượn tạm” số tiền trên 63 tỷ đồng đó. Phạm Công Danh đã không thực hiện một công việc nào của dự án, mà rút toàn bộ số tiền trên sang chăm sóc khách hàng.
Luật sư Lê Văn Đức xét hỏi ông Lê Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đại diện Công ty IDICO cho biết, hội đồng quản trị công ty có biên bản họp trong đó có nội dung đề nghị vay vốn. Cùng với giấy uỷ quyền của hội đồng quản trị cho bị cáo Nguyễn Chí Bình là giám đốc Công ty IDICO, sau đó công ty này lập hồ sơ vay 220 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, hiện còn trên 36 tỷ đồng chưa tất toán.
Liên quan việc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định về xử lý tài sản đảm bảo được pháp luật quy định rất rõ, căn cứ vào hồ sơ vay và thực trạng khoản vay, ngân hàng thương mại có phương án xử lý cụ thể.