Chiều ngày 18/11, tại họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí đặt câu hỏi về quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đối với vụ án tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) khi đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) đã bỏ trốn.
Cụ thể, trả lời câu hỏi về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn ở nước ngoài thì việc xử lý vụ án sẽ thực hiện như thế nào,Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nhấn mạnh: Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp, VOV thông tin.
Ông Nguyễn Thái Học cho biết Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã giao các cơ quan tố tụng nghiên cứu quy định pháp luật để truy tố, xét xử vụ án này.
Theo khoản 2, điều 290 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa.
"Việc xét xử đối với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào mà xử vắng mặt thì cũng tuân theo quy định của luật pháp. Do vậy, đối với các đối tượng bỏ trốn, khởi tố, điều tra nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ thì vẫn vận dụng quy định của luật pháp để xử lý", Phó Ban Nội chính Trung ương nói.
Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan là một trong những vụ án trọng điểm được Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu hoàn thành xét xử trong năm nay.
Hôm 11/11, Bộ Công an đề nghị bị can Nhàn và 7 đồng phạm đang trốn truy nã ra đầu thú để được hưởng khoan hồng; nếu không, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và vụ án vẫn được kết luận theo quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố 36 người, trong đó có 8 bị can nêu trên.
Bích Thảo(T/h)