(ĐSPL) - Sáng ngày 26/9, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình trên diện tích hơn 780m2 phục vụ Dự án "Thí điểm hạ ngầm đường điện 110 kV lộ 173-174 Chèm - Giám", đoạn nhánh rẽ đi trạm biến áp 110kV Nghĩa Đô và các ô đất cân đối chi phí hạ ngầm tại phường Dịch Vọng Hậu (lô đất TT-04-V).
Ngay từ sáng sớm công tác triển khai cưỡng chế đã được tiến hành theo đúng quy trình, thực hiện đúng chỉ đạo và phê duyệt của UBND Thành phố.
Tính đến thời điểm 8 giờ sáng ngày 26/9/2016, về cơ bản các trường hợp đã nhận tiền bàn giao mặt bằng và cam kết bàn giao mặt bằng. UBND quận chỉ phải tổ chức cưỡng chế đối với 03 chủ sở hữu tài sản trên diện tích 131,5m2.
Theo hồ sơ sơ giải phóng mặt bằng, lô đất có ký hiệu TT-04-V được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận để thực hiện dự án hạ ngầm đường điện 110kV lộ 173-174 Chèm - Giám, đoạn nhánh rẽ đi trạm biến áp 110kV Nghĩa Đô và các ô đất cân đối chi phí hạ ngầm tại phường Dịch Vọng Hậu có tổng diện tích: 1.384,6m2 với 19 phương án bồi thường, trong đó: 09 Phương án, các gia đình đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng theo quy định, chủ đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng. 10 Phương án (06 chủ sử dụng đất và 17 chủ sở hữu tài sản trên đất với tổng diện tích đất 780,5m2) chưa bàn giao mặt bằng. Về nguồn gốc, đây là đất nông nghiệp, đất mương được giao cho các gia đình sử dụng, Sau đó, các hộ đã tự chia tách, mua bán, chuyển nhượng và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm nhà ở và kinh doanh không đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu, các phòng ban liên quan, các ban các ngành, đoàn thể của phường đã nhiều lần vận động, thuyết phục các hộ dân bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp không bàn giao mặt bằng. Do đó Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy đã triển khai các bước theo quy định để tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các chủ sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản trên đất không bàn giao đất theo quy định tại dự án Thí điểm hạ ngầm đường điện 110kv lộ 173-174 Chèm - Giám, đoạn nhánh rẽ đi trạm biến áp 110kv Nghĩa Đô và các ô đất cân đối chi phí hạ ngầm tại phường Dịch Vọng Hậu (lô đất TT-04-V).
Lịch cưỡng chế bắt đầu từ 8 giờ sáng và được thực hiện liên tục đến chiều cùng ngày. Cho đến thời điểm hiện tại, công tác cưỡng chế về cơ bản là hoàn tất, không xảy ra vấn đề rủi ro đáng tiếc nào, một số hộ còn lại đã tự nguyện bàn giao mặt bằng như đã cam kết.
Được biết, đây là khu đất diễn ra nhiều tranh chấp, khiếu nại của người dân. Người dân cho rằng, đối với dự án thu hồi đất này, UBND Thành phố chấp thuận đầu tư để “ thí điểm xã hội hóa” là chưa đúng với quy định của pháp luật và có nhiều biểu hiện khuất tất bất thường gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và nhân dân. Các lô đất xen kẹt TT-04-V trên đường Trần Quốc Hoàn đa phần nằm ngoài hành lang lưới điện, nhân dân đã sinh sống ổn định từ nhiều năm nay, nay bắt phá nhà để giao đất cho Công ty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (INDECO) xây nhà kinh doanh bán với giá hàng chục triệu đồng/m2, trong khi chỉ đền bù cho người dân 250.000 đồng/m2.
Trước đó trả lời PV Báo Đời sống và Pháp luật, ông Phan Quốc Cường, cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng Công ty Indeco cho hay: Cuối năm 2009 UBND T.P Hà Nội đã có văn bản gửi các sở ban ngành về việc chấp thuận quy mô và cơ chế đầu tư Dự án thí điểm hạ ngầm đường điện 110KV lộ 173 – 174 Chèm – Giám, đoạn nhánh rẽ trạm biến áp 110KV Nghĩa Đô. Đây là dự án xã hội hóa và được thực hiện thí điểm nên việc không tổ chức mời thầu là điều dễ hiểu. Lô đất TT-04-V trên đường Trần Quốc Hoàn mà hiện nay người dân Phường Dịch Vọng Hậu đang khiếu nại về việc quỹ đất cho trạm điện không hợp lý là sai bản chất, vì theo quy định về kết cấu của trạm điện và hạ ngầm, cần có hành lang an toàn lưới điện, khoảng đất trống được chiếu từ các nhánh cột điện xuống mặt đất không được sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, để đảm bảo an toàn. Theo lộ trình và kế hoạch thì chỉ khi nào UBND Quận Cầu giấy tiến hành cưỡng chế thu hồi đất xong mới bàn giao cho Công ty Indeco. Về vấn đề tài chính, công ty đã tự xuất kinh phí để thực hiện dự án này, khi nào được bàn giao đất thì các cơ quan chức năng mới tiến hành định giá và phân lô, công ty chịu trách nhiệm bán đất, sau đó nghiệm thu, giữ lại phần kinh phí trước đó đã bỏ ra thực hiện dự án còn lại là nộp về ngân sách Nhà nước.
“Qua sự việc này cũng thấy rõ rằng công tác quản lý của cơ quan chức năng địa phương còn nhiều hạn chế, buông lỏng, đất nông nghiệp nhưng để người dân tự ý xây dựng kiên cố để ở và kinh doanh, thậm chí mua đi bán lại cho nhiều hộ khác. Nếu xét về lý thì bản thân người dân cũng đang vi phạm pháp luật. Công ty chúng tôi đang thực hiện đúng chủ trương đường lối của Thành phố”, ông Cường chia sẻ.
Hoàng Hà
Nguồn: Người Đưa Tin
Xem thêm: [mecloud]KEhn5Ge5MX[/mecloud]