(ĐSPL) - Từ đầu năm 2014 đến nay, liên bộ Tài chính - Công Thương đã liên tục giảm giá xăng dầu để phù hợp với giá thế giới. Chiều 22/12/2014 vừa qua, giá xăng lại tiếp tục giảm thêm hơn 2000 đồng/lít. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì giá cước tại nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chỉ giảm "nhỏ giọt", thậm chí chưa giảm khiến cho nhiều mặt hàng liên quan mượn cớ mà neo giá.
Viện đủ cớ để neo giá xăng dầu?
Trước sức ép ngày càng tăng của dư luận xã hội về việc giảm giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm sâu, nhiều lãnh đạo Hiệp hội Vận tải và Hiệp hội Vận tải hàng hóa của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đăng đàn "kêu khó".
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đang "câu giờ" để thu lợi nhờ vào mức chênh lệch giữa giá xăng dầu giảm và cước vận tải hiện hành. Một số lãnh đạo các Hiệp hội Vận tải lại cho rằng, họ đang làm đúng lộ trình được quy định và không thể giảm giá ngay lập tức vì vướng nhiều khâu, nhiều thủ tục.
Nhiều doanh nghiệp vận tải ỳ ạch giảm giá khi xăng dầu giảm giá mạnh. |
Trả lời báo chí, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu phải theo lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, có những mặt hàng giá xăng dầu không chiếm tỉ trọng lớn trong việc cấu thành giá, chẳng hạn những loại hàng tươi sống, đòi hỏi chất lượng dịch vụ vận chuyển cao... nên cũng có nhiều cái khó trong việc giảm giá ngay. Cũng theo ông Hiệp thì việc quy định mức giá chủ yếu vẫn thuộc về các chủ hàng là chính bởi không nhà vận tải nào lại quy định giá với chủ hàng. Nếu theo lập luận này thì cốt lõi vấn đề không nằm ở ngành vận tải mà ở yếu tố khác?
Ông Lâm Đại Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng cho biết phương án của Hiệp hội là giảm giá trực tiếp trên giá xăng dầu. Có điều việc giảm giá sẽ được áp dụng sau 7 ngày từ ngày giá xăng dầu giảm và mức giảm sẽ tùy vào từng tuyến đường và lộ trình khác nhau.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội trong cuộc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật cũng cho rằng, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào khác chứ không riêng mặt hàng xăng dầu. Trong những yếu tố cấu thành nên giá vận tải hiện nay thì có những yếu tố đang có xu hướng tăng nên không phải cứ giá xăng giảm là điều chỉnh giá cước ngay được. Không những thế họ còn đưa ra nhiều khó khăn khác nữa để giải thích cho việc chậm trễ giảm giá cước.
"Chúng tôi phải cân nhắc cẩn trọng vì mỗi lần tăng, giảm giá mất rất nhiều thủ tục và cũng gây rối loạn công tác quản lý của các đơn vị vận tải. Việc giảm giá theo xăng dầu đang được các đơn vị vận tải nghiên cứu và cân đối. Vì thế chúng tôi rất mong dư luận thông cảm cho những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải. Ngày 25/12 mới đây, tôi đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn về việc giảm giá cước và yêu cầu việc này cần hoàn thành trước ngày 15/1/2015"- ông Bùi Danh Liên nói.
Phải mạnh tay thay vì hô hào
Liên quan tới việc chậm trễ trong giảm giá cước vận tải của nhiều doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải xe ô tô. Theo đề xuất của bộ này thì các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp, kiểm tra việc kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013 NĐ-CP. Mức phạt cho việc này dao động từ 5 đến 30 triệu đồng.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những "cảnh báo" nhưng xem chừng liệu pháp đó chưa đủ khiến cho các doanh nghiệp vận tải lo ngại. Bằng chứng là quy trình giảm giá cước ở mỗi địa phương là khác nhau và không thống nhất về mức giảm cũng như thời gian giảm.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc nhà Xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng: "Một thực tế là nếu không giảm giá xăng dầu thì doanh nghiệp lãi nhiều, chênh lệch thu chi lớn và việc này càng kéo dài thì họ càng được hưởng lợi. Vì thế dù các cơ quan chức năng đã có công văn kiến nghị giải quyết nhưng theo tôi, chúng ta cần phải hành động thay vì chỉ dừng ở mức ra văn bản. Người ta hô hào phải xử phạt những doanh nghiệp không chịu giảm giá cước nhưng tôi đã thấy trường hợp nào bị phạt đâu? Nếu chúng ta thực sự mạnh tay thì lo gì giá cước không chịu giảm".
Trong khi đó, TS. Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính) lại cho rằng: "Việc trì hoãn giảm giá cước đang vi phạm quy định về kinh tế thị trường, làm mất lòng tin của người tiêu dùng vì bản thân họ không được hưởng lợi từ nền kinh tế. Bởi lẽ muốn tạo bước ngoặt thực sự thì phải để các doanh nghiệp vận tải tự cạnh tranh với nhau. Nếu cần thì nên đưa cước vận tải vào diện bình ổn giá. Sau một thời gian, nếu giá xăng dầu ổn định hơn thì chúng ta xem xét đưa ra ngoài danh mục".
Một số loại hàng hoá mới rục rịch giảm Cùng với việc giá xăng giảm mạnh, giá hàng hoá trong nước cũng đang có xu hướng giảm dần. Theo đó, bắt đầu từ 26/12/2014, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đã giảm 10\% giá vé cho hành khách và 5-20\% giá vận chuyển hàng hoá, tạo điều kiện cho bà con đi lại nhân dịp Tết Nguyên đán. Tại TP.HCM, hàng loạt các siêu thị, cửa hàng cũng đang rục rịch thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng. Chuỗi siêu thị Coopmart cũng đang phối hợp với các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá tuỳ theo nhóm hàng cụ thể từ 10-20\%. Một số doanh nghiệp chuyên cung cấp mặt hàng tươi sống cho các siêu thị như HTX nông nghiệp Thỏ Việt đã giảm giá từ 5-10\%, Vissan giảm giá bán thịt heo từ 3.000-5.000 đồng/kg, giá bán này vẫn còn tiếp tục giảm. Trong thời gian tới, người tiêu dùng vẫn tiếp tục hy vọng vào việc giảm giá từ phía các nhà cung cấp, đặc biệt là với các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết âm lịch. |