(ĐSPL) - “Cước vận tải hàng hóa hiện đã giảm mạnh rồi, nguyên nhân là do thị trường dư thừa phương tiện và phía Trung Quốc đang hạn chế giao thương. Không DN vận tải nào dám giữ mức cước cao trong tình hình này” - ông Trung nói
Yêu cầu vẫn… trên giấy
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nói: “Vấn đề giá taxi, cước vận tải không giảm dù giá dầu diesel từ đầu năm đến nay đã giảm xuống khá nhiều là trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành như: Giao thông, Tài chính. Khi chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, lợi ích cho ngân sách mới xuất hiện trở lại. Giờ không kiểm soát được việc giá cước vận tải, taxi, để cho sự độc quyền phân mảng như hiện nay thì rất khó”.
Một chuyên gia giấu tên cho rằng: “Nếu đợt tăng giá xăng dầu, doanh nghiệp tăng cước ngay, thì khi giá xăng dầu giảm giá cước vận tải cũng phải giảm giá phù hợp. Còn đối với doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá như trước có thể không giảm cũng được xem là hợp lý. Cũng cần có cái nhìn khách quan trong vấn đề này. Điều quan trọng là phải xử lý các doanh nghiệp chây ì, tăng theo chi phí nhiên liệu nhưng lại không giảm khi chi phí này giảm”, vị này cho hay.
Sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý giá cước vận tải đường bộ, Bộ GTVT lập tức có văn bản gửi các sở GTVT địa phương phối hợp với cơ quan tài chính địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo quy định.
Đồng thời bộ này có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền các đơn vị vận tải kê khai giá, niêm yết giá, điều chỉnh giảm giá cước phù hợp với mức giá nhiên liệu giảm. Các sở GTVT báo cáo với UBND tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính kết quả triển khai trước 30/9.
Trong khi đó, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và mời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiểm tra việc thực hiện tại địa phương. Kết quả báo cáo hai bộ (Tài chính và GTVT) trước ngày 5/10.
“Cước vận tải hàng hóa hiện đã giảm mạnh rồi, nguyên nhân là do thị trường dư thừa phương tiện và phía Trung Quốc đang hạn chế giao thương...", đại diện doanh nghiệp vận tải cho biết. |
"Đã giảm nhiều rồi!" (?)
Một số hãng taxi tại Hà Nội đang tính toán phương án giảm cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các hãng đang cân nhắc và tham khảo cước của các “đối thủ” cạnh tranh để có giá phù hợp.
Đại diện hãng taxi Sao Thế Kỷ (Hải Phòng) cho biết sắp lên kế hoạch giảm cước. “Việc giảm cước khá tốn kém, chỉ việc điều chỉnh đồng hồ tính tiền của khoảng 100 xe đã tốn đến cả chục triệu đồng. Sắp tới, các thành viên ban lãnh đạo đi công tác về, chúng tôi mới họp bàn và tính toán phương án giảm cước” - vị đại diện này nói.
Theo ông Lê Thành Trung, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải Trung Thành (Hải Phòng), cước vận tải đã giảm khoảng 20\% so với lúc giá xăng cao. Mỗi khi giá xăng giảm sâu, doanh nghiệp (DN) đều thỏa thuận với khách hàng về mức giảm cước thích hợp. “Cước vận tải hàng hóa hiện đã giảm mạnh rồi, nguyên nhân là do thị trường dư thừa phương tiện và phía Trung Quốc đang hạn chế giao thương. Không DN vận tải nào dám giữ mức cước cao trong tình hình này” - ông Trung nói.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đã có công văn đề nghị các DN thành viên rà soát lại giá mà mình đã kê khai ở kỳ gần nhất để xem xét việc giảm cước.
Theo ông Thân Văn Thanh, giá xăng dầu vừa qua tăng, giảm liên tục trong khi có hãng vận tải vẫn giữ giá khá lâu. Vì thế, không thể đánh đồng, yêu cầu tất cả phải giảm cước vì có hãng đã giảm. Ông Thanh cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh rất dễ nhưng DN điều chỉnh cước lại khá khó khăn, bởi mỗi lần thay đổi mức tính cước trên đồng hồ, mỗi taxi mất hơn 100.000 đồng, chưa kể tài xế phải nghỉ chạy nửa buổi. Đối với xe khách, mỗi lần điều chỉnh cước thì phải in vé mới, hủy toàn bộ vé cũ gây thiệt hại cho DN. Các DN cũng phải cạnh tranh nhau để giữ khách hàng nên sẽ tự điều chỉnh cước cho phù hợp. Hơn nữa, các hợp đồng vận tải đều ngắn hạn, thanh toán theo từng chuyến, từng ngày nên DN sẽ có mức cước phù hợp ở từng thời điểm. “Xăng tăng, giảm 11 lần mà cước cũng phải điều chỉnh 11 lần thì DN vận tải “chết” do quá tốn kém” - ông Thanh nhận định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, không thể cứ xăng dầu giảm 10\% thì cước vận tải phải giảm khoảng 5\%. Giá vận tải là theo thị trường. Từ đầu năm đến nay, chỉ một vài DN taxi ở Hà Nội điều chỉnh tăng cước trong mức cho phép 5\%, như hãng Thành Công tăng giá 500 đồng/km do họ đầu tư xe mới. “Một số DN taxi vừa rồi tăng cước theo giá xăng thì bây giờ phải giảm. Mức giảm 5\% đối với các hãng taxi đã tăng cước trước đó là hợp lý. Còn đơn vị nào vẫn giữ cước khi giá xăng dầu tăng thì không thể bắt họ giảm được” - ông Liên phân tích.
Ông thắc mắc: “Giá xăng dầu giảm nhưng không thấy các DN nhà nước như tàu hỏa, máy bay, nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu giảm giá. Sao ngành tài chính không kiểm tra để phạt những DN đó mà lại yêu cầu các DN vận tải nhỏ lẻ đang oằn lưng chịu hàng loạt loại phí phải giảm cước. Taxi có thể giảm 500-1.000 đồng/km nhưng giá xăng dầu phải giữ được lâu chứ DN vừa giảm, xăng dầu lại tăng giá thì DN sẽ hết sức khó khăn” - ông Liên đặt vấn đề.
Về góc độ quản lý giá, một chuyên gia từng làm việc tại Bộ Tài chính góp ý cước vận tải không thể đưa vào diện bình ổn giá như một số mặt hàng đặc thù khác. Loại hình dịch vụ này cần được khuyến khích phát triển để tăng cạnh tranh, từ đó giá thành sẽ hạ. Trong khi chưa thể có thị trường cạnh tranh, cần nâng cao vai trò kiểm soát của nhà nước để tránh trường hợp các DN bắt tay làm giá hoặc chây ì điều chỉnh cước. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cước vận tải không đơn thuần là thỏa thuận giữa DN cung cấp dịch vụ với khách hàng mà trong đó còn có quá nhiều chi phí. Do đó, khắc phục tình trạng này cần phải có giải pháp tận gốc chứ ép DN giảm giá chỉ là phần ngọn.
Ngọc Anh(Tổng hợp)