+Aa-
    Zalo

    Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của hai phụ nữ sau 25 năm lưu lạc xứ người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau vài giây ngỡ ngàng, người thân nhận ra hai chị rồi cả nhà cùng ôm nhau khóc. Không ai có thể diễn tả hết những tủi nhục.

    Sau vài giây ngỡ ngàng, người thân nhận ra hai chị rồi cả nhà cùng ôm nhau khóc. Không ai có thể diễn tả hết những tủi nhục, buồn khổ mà hai chị đã chịu đựng suốt 25 năm qua ở xứ người để rồi có cuộc trùng phùng kỳ diệu như ngày hôm nay.

    Xúc động ngày trở về

    Những ngày này, ngôi nhà người thân của 2 chị Phạm Thị Nhạn (SN 1974) và Phạm Thị Cải (SN 1974), cùng ở thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, luôn rộn ràng người tới hỏi thăm hai chị trở về sau 25 năm lưu lạc, cuộc trùng phùng giống như một giấc mơ...

    Tay rót ly trà đặc mời khách, ông Phạm Thanh Tùng (SN 1949, bố chị Phạm Thị Nhạn) rưng rưng kể lại giây phút gặp lại con gái. Ông Tùng bảo, cả đêm trước khi Nhạn về, không hiểu sao ông cứ thao thức, trằn trọc mãi mà không ngủ được cho đến trưa ngày hôm sau, thì Nhạn về đến nhà. “Lúc đó có hai người vào hỏi bác có đứa mô đi nước ngoài về không? Tôi trả lời không. Họ lại hỏi tiếp: Bác có phải bác Tùng không? Nhà bác có ai tên Nhạn không? Nghe đến tên đứa con gái mất tích từ 25 năm nay, tôi giật mình nhìn kỹ thì nhận ra Nhạn rồi hai bố con ôm lấy nhau khóc”, ông Tùng nghẹn ngào nhớ lại.

    Trải qua 25 năm mất tin tức của em gái, chị Bông không dám nghĩ đến có cuộc đoàn tụ như ngày hôm nay.

    Nhà chị Cải cách nhà chị Nhạn khoảng vài trăm mét. Ngay sau đó, chị Cải tìm về đến nhà, chị Phạm Thị Bông (chị gái chị Cải) như chết lặng. Chị không thể tin được người đứng trước mặt là em gái mình, đứa đã rời nhà đi 25 năm, không một tin tức. “Hai chị em nhận ra nhau ngay sau vài giây. Chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc. Tôi không ngờ còn gặp lại được em gái mình sau chừng ấy năm mất tích”, chị Bông bùi ngùi tâm sự.

    Thời điểm mất liên lạc với chị Nhạn, ông Tùng cùng người thân trong gia đình đi khắp nơi tìm kiếm. “Khi mất liên lạc với Nhạn, ngày ấy, gia đình người thân tỏa đi tìm, gửi ảnh nhờ báo chí đưa tin nhưng tìm hai năm trời vẫn bặt vô âm tín. Trong thâm tâm tôi vẫn tin Nhạn sẽ có một ngày trở về và giờ đây đã trở thành hiện thực”, ông Tùng tâm sự.

    Khi được hỏi về quãng thời gian biệt xứ, chị Cải rưng rưng: “Sau một thời gian bị bán qua Trung Quốc, tôi có gặp một người phụ nữ Việt Nam, cùng quê Quảng Bình và cũng là nạn nhân bị bán qua đây làm vợ người ta. Gặp nhau, chuyện trò, tôi có viết một lá thư rồi nhờ chị gửi về cho gia đình. Trong thư, tôi kể lại chuyện mình bị lừa bán qua Trung Quốc. Vì mới sang nên tôi không biết chính xác địa chỉ cụ thể ở đâu và không thể nào về được. Chỉ sau đó vài tháng, tôi không hiểu vì sao chị ấy không thể gửi thư về quê được nữa”.

    Cũng chính từ thời điểm này, gia đình chị Cải bị cắt đứt hoàn toàn thông tin về chị cho tới tận bây giờ. Về phía gia đình chị Cải, sau khi nhận được thư con gái gửi về, bố chị đã viết đơn gửi khắp nơi tìm hy vọng cứu con, nhưng hy vọng chỉ le lói rồi tắt dần. Một thời gian dài sống trong cảnh đau buồn lo lắng và thương nhớ chị Cải, ông phát bệnh rồi qua đời. Vài năm sau, mẹ chị Cải cũng mất vì tuổi cao sức yếu. Đây là điều khiến chị Cải day dứt nhất. Khi chị bị bán thì bố mẹ mới hơn 40 tuổi, đến khi chị trở về thì họ đã không còn.

    Bị “dụ” đi làm ăn, thực chất bị bán làm vợ xứ người

    Thời điểm mới rời nhà đi, hai chị đều mới đôi mươi, giờ đây, cả chị Cải và chị Nhạn đều đã bước vào tuổi 50. Chị Cải nhớ lại: “Mùa hè năm 1995, lúc này tôi đang sống cùng bố mẹ ở ở ngôi nhà cạnh bìa rừng xã Phú Thủy thì có một người phụ nữ xưng tên Loan đi cùng người đàn ông tên Mai tìm đến nhà. Hai người nói rằng có một công trình xây dựng ở Lào đang cần công nhân và có thể giúp tôi đi làm. Hai người này thuyết phục tôi và gia đình rằng chuyến đi này có thể giúp tôi có một khoản tiền để trang trải giúp gia đình. Nhà có 5 chị em, cuộc sống gia đình lúc đó vô cùng khó khăn; để có cái ăn cái mặc, chúng tôi phải vào rừng chặt củi, hái mây về bán. Vì vậy, khi có người thuyết phục, tôi không một chút mảy may nghi ngờ, đã đồng ý nhận lời sang Lào”.

    Thời điểm đó, bố chị Cải cũng tin người đàn ông tên Mai đi cùng bà Loan vì ông Mai là người ở gần làng và có họ hàng xa với gia đình. Sau đó một ngày, chị Cải được ông Mai đưa lên xe đi. Từ nhỏ, chị sống quanh quẩn bên bố mẹ, và thông thạo hết các con đường dẫn vào rừng còn những con đường ngoài làng, chị chưa từng biết đến. Thế nên, khi lên xe ô tô, chị chỉ biết ngồi im ngắm nhìn khung cảnh xung quanh chứ không biết mình sẽ đi đâu. Sau một ngày một đêm thì đến nơi, nhưng nơi chị được đưa đến không phải là một công trình ở Lào mà là một vùng đất xa lạ toàn người nói tiếng Trung. Người phụ nữ tên Loan đưa chị về một ngôi nhà và phải vài ngày sau chị mới biết, nơi mình đến là một vùng nông thôn thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

    Tại đây, chị được bán cho một người đàn ông Trung Quốc đã lớn tuổi làm vợ. Những ngày đầu làm vợ một người đàn ông xa lạ, lại bất đồng ngôn ngữ càng khiến chị buồn khổ, da diết nhớ quê hương, gia đình. Nhưng vì không biết tiếng Trung, lại không thông thạo địa hình, chị Cải đành bất lực chấp nhận. Khoảng một năm sau đó, chị sinh được một bé gái, kế tiếp là một bé trai. “Chồng biết tôi bị bán sang làm vợ nên cũng thương tôi. Con gái khi lớn lên, biết hoàn cảnh của mẹ, nó cứ an ủi, để con đi làm có tiền, con sẽ đưa mẹ về thăm quê. Mấy hôm nay, nó điện thoại qua bảo, mẹ cứ ở lại chơi cho thật thoải mái, khi nào nhớ con thì về”, chị Cải tâm sự.

    Nói về chị Phạm Thị Nhạn, khoảng 2 tháng sau đó chị cũng trở thành nạn nhân bị lừa theo cách giống như chị Cải. Chị Nhạn cũng được người phụ nữ tên Loan đến nhà rủ đi làm và vì cuộc sống khó khăn chị đã đồng ý đi cùng. Sau một giấc ngủ, chị Nhạn được bà Loan đưa qua Quảng Đông và bán cho một người đàn ông địa phương. Nhưng run rủi thế nào, chị Nhạn và chị Cải đều được gả cho hai người đàn ông ở gần nhà nhau. Ở nơi đất khách quê người, suốt 25 năm qua, hai chị cứ bám víu lấy nhau như người thân, có gì cũng qua lại trút bầu tâm sự. Nhưng cả hai chị đều luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình mà không thể về được. Cho đến khoảng 2-3 năm trở lại đây, hai chị mới dám đề cập với chồng xin cho về thăm quê hương. Theo lời hai chị, quá trình sinh sống tại đây, các chị quen biết với khá nhiều người phụ nữ Việt Nam có cùng chung hoàn cảnh. Trong số họ, có người đã về quê nhiều lần, nên khi được chồng đồng ý, hai chị đã nhờ đến sự giúp đỡ, bảo lãnh của những người này để cùng về Việt Nam.

    25 năm phiêu bạt xứ người, hiện chị Cải và chị Nhạn vẫn không có giấy tờ tùy thân. Ngày về, hai chị phải thuê người dẫn đi theo đường tiểu ngạch qua biên giới. Sau đó mới bắt xe tìm đường về quê. “Gia đình, chồng con đều đã ổn định, mình không thể nào bỏ được họ ở bên đó nhưng cũng rất muốn được về thăm gia đình bên này. Giờ mình chỉ mong chính quyền hỗ trợ cho chị em được làm giấy tờ hợp pháp để được qua lại giữa hai bên”, chị Cải bày tỏ nguyện vọng¦

     NGÔ HUYỀN
    Bài đăng trên báo giấy Đời Sống & Pháp Luật số 31 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-trung-phung-dam-nuoc-mat-cua-hai-phu-nu-sau-25-nam-luu-lac-xu-nguoi-a287078.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan