Từ khi mới lọt lòng, bé L.T.T.L. (SN 2008, ấp Vĩnh Quới, xã Long Vĩnh, H. Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã mắc phải một chứng bệnh quái ác.
Bé L. ngồi trong lòng mẹ trò chuyện với PV. |
Khắp thân thể bé, đặc biệt là khuôn mặt xuất hiện những vết chàm đen, trên đó lông mọc rậm và dài như tóc, khiến hình dạng bé vô cùng ghê rợn. Thấy thân thể em khác người, dư luận không ngừng gán ghép cô bé tội nghiệp bị “quỷ đầu thai”, bị “ma nhập”, là “người khỉ”…
Lời đồn cay nghiệt
Ca bệnh hiếm gặp Trao đổi với người viết, bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Gò Công Tây cho biết: “Thông qua báo chí biết đến hoàn cảnh gia đình anh N., từ trước đến nay đã có không ít các mạnh thường quân đến động viên, hỗ trợ kinh phí. Đối với bệnh của cháu T.L., các bác sỹ ở khoa u máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM nhận định, dạng bệnh của T.L. rất hiếm gặp nên buộc phải dùng tia laser để điều trị. Tuy nhiên, chi phí rất tốn kém và phải mất nhiều thời gian mới có thể chữa khỏi”. |
Về xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) chỉ cần hỏi tên bé T.L. thì ai cũng biết. Ngay từ khi sinh ra, em đã phải gánh chịu căn bệnh lạ kỳ. Khuôn mặt nổi mảng da đen dày cộm, sần sùi, bên trên lông cứng mọc dày. Theo thời gian, khối lông ngày càng đen và dài hơn. Không những thế, khắp thân bé lốm đốm bớt đen với những vùng lông mọc tương tự. Chứng kiến ngoại hình cô bé bất hạnh, dư luận địa phương nhiều năm nay vẫn rỉ tai đồn đoán T.L. là “quỷ đầu thai”, là “người khỉ” hay bị “ma nhập”.
Tâm sự cùng người viết, anh L.V.N (SN 1982, cha T.L.) cho biết: “Từ ngày sinh con đến giờ, vợ chồng tui chưa được mấy đêm ngon giấc. Chẳng biết có phải trời bắt tội không nhưng ngay từ dạo bà xã mang thai, tui đã thấy hàng loạt điều kỳ lạ, nếu không nói là bất thường”. Theo anh Nam chia sẻ, những ngày gần sinh cháu T.L., chị G. nhiều lần nằm chiêm bao thấy một con thỏ trắng nhảy về phía mình. Song những điều ấy cũng không ngăn được vợ chồng anh hồi hộp đón thiên thần nhỏ chào đời.
Khổ nỗi, ngay khi sinh ra, thân thể T.L. đã xuất hiện những vùng bớt đen, nhiều nhất là trên mặt. Được chừng một tháng, những vùng bớt đen này bắt đầu nổi rõ hơn, bên trên mọc lông lấm tấm, dày cứng và dài ra không khác gì tóc trên đầu. Thấy lạ, vợ chồng chị G. chắt bóp tiền đưa con đi nhiều nơi khám chữa nhưng chẳng nơi đâu xác định được đó là loại bệnh gì. Sức cùng lực kiệt, anh chị đành bất lực đưa con về nhà, chấp nhận nhìn T.L. sống chung với bệnh. Anh N. cũng cho biết, ngoài chuyện những bớt đen và lông mọc dị thường trên người và mặt, thể trạng T.L. vẫn phát triển bình thường.
Ở vùng quê nghèo nơi gia đình chị N.T.NG. (mẹ T.L.) sinh sống, căn bệnh quái ác mà T.L. mắc phải nhanh chóng trở thành đề tài soi mói. Ban đầu, thấy lông lá trên những bớt đen của cháu bé ngày càng mọc dài, thay vì cảm thông, một số kẻ độc miệng đã rỉ tai nhau rằng: “Nhà cái G. bị “quỷ đầu thai”. Ác nghiệt hơn, nhiều kẻ còn tìm đến tận nhà, chụp ảnh bé rồi đem in giấy A4 mang ra bến phà, tàu xe bán trục lợi. Thương con nhưng suốt một thời gian dài, anh N. cũng đành bất lực trước tiếng đời. “Có người còn nhẫn tâm đồn đoán, vợ chồng tôi ăn ở kiếp trước không tốt nên giờ phải sinh ra một đứa bé dị thường nửa người nửa khỉ. Rồi một dạo, tôi lại nghe mọc đâu ra chuyện ai đó bảo cháu bị “ma nhập”. Mỗi lần nghe những lời đó, tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc”, chị G. chua xót tâm sự.
Ngôi nhà rách nát của gia đình bé L. |
Bất lực nhìn con sống chung với bệnh
Trong gian nhà lá gió lùa tứ phía, vợ chồng anh N. không kìm được những giọt nước mắt khi kể chuyện về đứa con bất hạnh. Nhìn bé L., chị G. tiếp lời: “Không những người lớn gièm pha mà chúng bạn cùng trang lứa cũng trêu chọc bé rất nhiều. Có những lần đi ngoài đường, đám trẻ hiếu kì đuổi theo hô là “Tôn Ngộ Không”, “Người khỉ xuất hiện”. Rồi những hôm đang đi học, cháu lại bỏ chạy về, đôi mắt mọng nước, sà vào lòng tôi hỏi: “Tại sao mặt con đen và nhiều lông thế hả mẹ? Các bạn bảo con chẳng khác gì con khỉ trong vườn thú, "con ma" trong phim trên tivi. Các bạn xa lánh, không cho con chơi chung”.
Những câu hỏi vô tình của đứa con như vạn mũi kim đâm khiến trái tim chị G. nhói buốt. Thương con, cứ nghe ai nói chỗ nào có thầy giỏi, thuốc hay, anh N. lại thúc vợ lặn lội tìm đến. “Đã tốn rất nhiều tiền rồi nhưng cháu bệnh vẫn hoàn bệnh. Đến nay, gia đình chúng tôi gần như kiệt quệ, không còn tiền để đánh đu với căn bệnh này nữa. Mỗi sáng thức dậy lại thấy lông lá trên người con gái mọc nhiều hơn, chúng tôi vô cùng xót xa”, anh N. buồn bã nói.
Khi mọi hy vọng của vợ chồng anh N. đang dần tắt thì một tia sáng lại lóe lên. Đó là vào năm 2011, ấp Vĩnh Quới đón một nhà hảo tâm về địa phương tài trợ cho những gia đình nghèo. Mới 3 tuổi, bé T.L. lon ton chạy theo người lớn đi xem “ông Tây về làng” thì vô tình được mạnh thường quân này nhìn thấy. Sau khi hỏi han địa chỉ và được nghe về tình cảnh xót xa của T.L., người này đã ngỏ ý giúp đỡ cháu điều trị. Liền sau đó, cùng vị ân nhân người Úc, vợ chồng anh N. đưa con lên TP.HCM thăm khám. Trong khi bệnh tình của cháu chưa có lời giải đáp thì chị G. càng thêm đau lòng khi những lời đồn bé là “ma”, “quỷ” càng dày đặc hơn. Thậm chí, một vài người đã khuyên chị không nên đi chữa cho L. mà phải mời thầy cúng giải hạn.
Đến tháng 3/2012, khi đưa bé lên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, vợ chồng chị G. mới phần nào trút được gánh nặng. Qua thăm khám, các bác sỹ đã xác định Linh mắc bệnh “Nốt ruồi hắc tố bẩm sinh”, có tên khoa học là Noveus. Theo phân tích của bác sỹ, đây là dạng bệnh vô cùng hiếm gặp, tỷ lệ mắc phải trên thế giới rất thấp, người bệnh có thể hoàn toàn được chữa khỏi. Nghe xong, vợ chồng anh N. hạnh phúc đến mức ôm nhau khóc ròng. Tuy nhiên quá trình chữa trị cho bé phải rất tốn kém. Phương pháp hiện đại là dùng tia laser để chiếu vào vùng da làm triệt nang lông, chi phí một lần chữa có thể tốn hàng chục triệu đồng, hơn nữa thời gian chữa trị kéo dài rất lâu.
Con nhà nghèo lại mắc “bệnh nhà giàu”, điều kiện chữa bệnh như bác sỹ nói đối với vợ chồng anh N. là... không tưởng. Lâu nay, vợ chồng chị G. quanh năm làm lụng cũng chỉ kiếm được đủ ăn mà vẫn thiếu nợ triền miên, huống gì có tiền triệu để chữa bệnh cho con. Chị G. buồn rầu nói: “Mừng vì tìm ra bệnh cho con bao nhiêu, nay thất vọng bấy nhiêu. Vì với chi phí điều trị như thế thì có bán cả đất đai, nhà cửa chúng tôi cũng không thể lo đủ. Hơn nữa, nếu vay mượn thêm, nhà tôi nghèo thế này chắc gì người ta cho”. Đau lòng hơn, trong thời gian chờ xoay sở tiền bạc cho con chữa bệnh, chị G. vẫn không dám cho bé T.L. ra ngoài nhiều vì sợ bạn bè trêu trọc, dư luận đồn thổi. Tuổi thơ của em vốn đã bất hạnh, nay càng thiệt thòi hơn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Mộng Kiều - Trưởng ấp Vĩnh Quới (xã Long Vĩnh) cho biết: “Gia đình anh N. và chị G. thuộc diện khó khăn, lâu nay trầy trật với căn bệnh của con nên không có điều kiện làm ăn. Thời gian qua, những tin đồn thổi ác ý liên quan đến căn bệnh của cháu L. thi thoảng vẫn xuất hiện. Sau khi biết về kết luận bệnh tật của cháu thông qua khám chữa, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vừa chấm dứt những đồn đại có thể gây tổn thương cho cháu, vừa vận động thêm kinh phí tài trợ. Tuy nhiên, hầu hết hộ dân trong ấp đều nghèo, kinh phí của ấp cũng hạn chế nên việc giúp đỡ đến giờ không đáng kể. Việc duy nhất mà ấp đã làm được là xác nhận cho gia đình anh N. vào diện hộ nghèo để có thể được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước”.