Về cuộc đấu giá tại viện Nghiên cứu cao su Việt Nam diễn ra chóng vánh đến bất ngờ, có nhiều tình tiết kỳ lạ đối với gần 1.000 cây, thuộc diện cắt tỉa ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (có một số cây gỗ quý), nhóm PV đã phát hiện ra nhiều vấn đề. Trong đó, có sự mập mờ ngay từ thông báo mời thầu.
Hiểu nước đôi
Trong thông báo đấu giá tài sản, có nhiều nội dung chưa rõ ràng và mập mờ, khiến người đấu giá hiểu nước đôi. Cụ thể, “bên mời thầu là viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, tài sản đấu giá cây trồng tỉa thưa (theo danh sách và vị trí đính kèm), địa điểm có tài sản tại Quốc lộ
13, Lai Hưng, Bàu Bàng.
Tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng 20% giá trị tài sản trúng đấu giá, phương thức thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản. Về hình thức đấu giá bằng phương pháp bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá theo phương thức trả giá lên”, thông báo đấu giá nêu.
Nguồn tin của PV cho hay: “Ở đây phải hiểu rõ hai cách đấu giá: Thứ nhất, nếu như việc chỉ là cắt tỉa cây thưa thì người đấu giá sẽ được trả tiền công cho việc thực hiện này. Khi đó, Viện sẽ phải dùng kinh phí của họ trả cho người trúng đấu giá và về nguyên tắc, họ phải lấy giá thấp nhất do tổ chức/cá nhân đứng ra đấu giá.
Cách hiểu thứ hai, nếu như cắt tỉa cây thưa và lấy luôn tài sản - số cây đã cắt tỉa đó thì mới đấu giá bằng phương thức trả giá lên. Lúc đó, sẽ lấy giá cao nhất, đương nhiên người mua sẽ trả tiền và thụ hưởng toàn bộ tài sản đó. Xét theo phương án đấu giá, tổ chức/cá nhân sẽ
hưởng toàn bộ cây trồng trong diện cắt tỉa thưa theo danh sách và vị trí đã được cung cấp, chỉ định trước đó”.
Điều đáng nói, “trong đó có nhiều cây gỗ quý, như: Trắc, gõ đỏ (thuộc nhóm 1), điều này là trái các quy định của pháp luật. Bởi, viện Nghiên cứu Cao su đang lấp lửng trong mô hình quản lý – hoạt động, giữa đơn vị sự nghiệp có thu và thuộc vốn Nhà nước (do trực thuộc tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, có 97% vốn của Nhà nước).
Tuy nhiên, điều thấy rõ là tổ chức này hiện đang do tập đoàn Công nghiệp Cao su quản lý thì việc đấu giá như trên (tự quyết giá, phương thức đấu giá...) là hoàn toàn vi phạm về các nguyên tắc, quy định trong đấu giá tài sản công. Thực chất, họ muốn phù phép bằng một cuộc đấu giá diễn ra chóng vánh, nhằm hoàn tất việc cắt tỉa cây (không định giá tài sản), từ đó chia chác, tư lợi phần tài sản này”, nguồn tin của PV chia sẻ thêm.
Cây trắc khá lớn nằm trong diện bị cắt hạ mà các đơn vị được chỉ cho biết trước khi tham gia đấu giá. |
Chưa rõ mô hình hoạt động?
Thực tế, trả lời PV, ông Phạm Văn Thành, Thành viên hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kế hoạch – Đầu tư cho biết: “Tập đoàn vẫn quản lý, chi phối về kế hoạch phát triển, nhân sự và nhiều vấn đề khác của viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam. Tuy nhiên, phần tài chính thì Viện
đã tự chủ từ nhiều năm qua”.
Còn làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó phòng Kế hoạch, viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết: “Số cây này sẽ bán hết cho cá nhân trúng đấu giá (ông Trịnh Đình Sơn, ngụ quận 12, TP.HCM), bao gồm cả những cây gỗ quý nằm trong danh sách”.
Khi PV chất vấn số lượng cây nhiều, có giá trị lớn, vậy số tiền trúng đấu giá là 255 triệu đồng có phản ánh đúng giá trị thực tế của cây hay không? Ông Phúc trả lời chưa xác định được: “Giá thời điểm này là chưa nắm được và cũng chưa xác định được giá khởi điểm. Sau khi có giá đấu thì sẽ mời thẩm định giá để Viện sẽ tổ chức đấu giá lại, rồi đưa lên mạng đấu
thầu để phù hợp với quy định”.
“Nghĩa là mình thừa nhận cuộc đấu giá vừa rồi là sai đúng không?”. “Dạ đúng”, ông Phúc nói nhanh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương cho biết: “Viện Nghiên cứu cao su trực thuộc tập đoàn Công nghiệp cao su nên huyện không quản lý. Tuy nhiên, về những cây gỗ quý và tài sản công nói chung, theo nguyên tắc là phải thẩm định giá, thông qua rất nhiều sở, ngành đơn vị liên quan mới được cắt cây.
Điển hình phải thông qua kiểm lâm, báo cáo sở Tài chính để phê duyệt giá, có ý kiến phê duyệt của UBND tỉnh Bình Dương thì mới được chặt hạ. Huyện Bàu Bàng cũng đã nhiều lần thực hiện việc này, thậm chí có cây ngã ở đường cũng phải thông qua quy trình trên, rất ngặt
nghèo, chứ không thể nói cắt là cắt được”.
Cũng theo ông Thương, trong khuôn viên của Viện có nhiều cây gỗ quý như trắc, gõ, cầy... Thực tế, dạo một vòng quanh Viện, PV ghi nhận có rất nhiều cây, riêng xà cừ (huỳnh đường) nằm trong danh sách cắt là chủ yếu có đường kính rất lớn, nhiều cây phải vài người ôm mới xuể. Một số cây trắc mà PV quan sát được cũng có đường kính lớn, chứ không hề nhỏ như đại diện viện Nghiên cứu cao su cung cấp thông tin cho PV trước đó.