Kẻ “giấu mặt” trên không gian mạng
Cuối năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình (PA05), đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tỉnh bạn, phá thành công chuyên án “rửa tiền” thông qua việc thanh toán các hóa đơn điện, nước trên phạm vi toàn quốc. Ước tính, số lượng tài khoản ngân hàng giả mạo dùng để nhận tiền chiếm đoạt được và các tài khoản “rửa tiền” là khoảng 40 cái, với tổng số lượng giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Những con số này chưa đủ để nói lên tính chất phức tạp, hành trình gian nan mà Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng PA05 và đồng đội phải đối mặt khi thực hiện chuyên án.
Vụ việc bắt đầu vào ngày 18/11/2021, chị Hoàng T. L.N., trú tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, làm đơn trình báo cơ quan công an về việc tài khoản ngân hàng và số điện thoại dùng để đăng ký dịch vụ smart banking của chị đã bị người khác chiếm quyền sử dụng, thực hiện các lệnh chuyển 60 triệu đồng trong tài khoản đến một tài khoản ngân hàng khác. Chị N. không có thao tác liên quan đến chuyển tiền và mất hoàn toàn quyền sử dụng SIM điện thoại cũng như tài khoản ngân hàng.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng PA05 cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin của bị hại, PA05 đã khẩn trương tiến hành xác minh. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, sau khi chiếm đoạt số tiền của chị N., đối tượng lừa đảo chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng với tên chủ tài khoản giả mạo khác nhau. Đối tượng này đã thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn điện, nước, sau đó chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác nhằm che giấu dòng tiền trước khi chuyển về tài khoản cuối cùng để sử dụng.
Xác định đây là thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mới, cần phải tập trung đấu tranh ngăn chặn, Đại tá Nguyễn Hữu hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo PA05, tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để lập chuyên án đấu tranh.
Giữa “mịt mù” không gian mạng, vào tháng 7/2022, 2 tổ trinh sát được triển khai, tỏa đi các tỉnh, thành tại miền Trung, để thu thập thông tin về các giao dịch bất thường nói trên. Các trinh sát tiếp cận từng hộ dân để làm rõ từng giao dịch thanh toán hóa đơn điện, nước. Kết quả bất ngờ xảy ra, khi hàng chục hộ dân đều cung cấp một đầu mối cực kì quan trọng, đó là trong tháng 11/2021, các hộ này đều không tự mình thanh toán tiền điện nước mà thông qua một vài người đi thu hộ. Đặc biệt hơn, những người thu hộ này có điểm chung là đều thanh toán qua một cái tên duy nhất: Nguyễn Phát Tài, chủ nhân tài khoản Facebook chuyên làm dịch vụ thanh toán hóa đơn.
Ngay lập tức, chân dung đối tượng có tài khoản “Nguyễn Phát Tài” được ban chuyên án phác họa một cách nhanh chóng và chính xác. Theo đó, Nguyễn Phát Tài, SN 1999, tạm trú tại phường 6, Tp.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chủ cửa hàng “Thẻ cào Phát Tài”. Đây là đối tượng hoạt động mua, bán thẻ cào điện thoại và hoạt động “rửa tiền” thông qua việc dùng “tiền bẩn” để thanh toán hộ các hóa đơn điện, nước trên phạm vi toàn quốc.
Từ những chứng cứ, tài liệu thu thập được, ban chuyên án nhận thấy đã đủ cơ sở phá án, đấu tranh, xử lý đối tượng về hoạt động sử dụng công nghệ cao vi phạm pháp luật. Để đạt hiệu quả cao nhất, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban chỉ đạo chuyên án đã đánh giá và quyết định triển khai phá từng phần của chuyên án.
Hoạt động tinh vi
Trong giai đoạn 1, ban chuyên án phối hợp với Công an Tp.HCM và Công an tỉnh Tiền Giang triển khai lực lượng đấu tranh với Nguyễn Phát Tài. Tuy nhiên, đối tượng Tài thường xuyên thay đổi địa bàn, vì vậy, việc theo dõi, nắm di biến động của đối tượng trước thời điểm phá án hết sức khó khăn. Có thời điểm, các mũi trinh sát theo dấu Tài qua 2-3 tỉnh thành khác nhau thì mất dấu. Tưởng như kế hoạch phá án đã buộc phải bỏ ngỏ thì tối 2/10/2022, Tài xuất hiện tại địa phương nơi cư trú.
Rạng sáng 3/10, tổ công tác tiến hành triệu tập 3 đối tượng liên quan, thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng Nguyễn Phát Tài. Quá trình khám xét, thu giữ 1 bộ máy tính để bàn, 1 màn hình máy tính, 1 điện thoại di động, 4 thẻ ATM ngân hàng mang tên Nguyễn Phát Tài cùng nhiều tài liệu liên quan. Dựa trên những chứng cứ thu thập được, ngày 9/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định khởi tố vụ án và sau đó ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Phát Tài về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Từ kết quả đấu tranh giai đoạn 1, ban chuyên án nhận định Tài chỉ là một mắt xích đóng vai trò “rửa tiền” cho một tài khoản ẩn danh. Tài khoản này thường xuyên liên lạc, cung cấp cho tài các tài khoản ngân hàng giả mạo và chỉ đạo Tài trong các lần nhận và rửa “tiền bẩn”. Dựa trên lời khai của Tài và các tài liệu liên quan, cơ quan chức năng xác định đối tượng ẩn danh thực chất là một ổ nhóm tội phạm quy mô lớn chứ không phải chỉ là một cá nhân hoạt động riêng lẻ, độc lập. Nhóm đối tượng này hoạt động hết sức tinh vi, chỉ liên lạc với Tài thông qua các ứng dụng ẩn danh, sử dụng sim rác và thường xuyên thay đổi số liên tục để tránh bị lần ra dấu vết.
Tiếp đó, PA05 cùng phối hợp với Phòng CSHS và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình, Bộ Công an và Công an Tp.HCM triệu tập, đấu tranh với Mạch Thị Nga, SN 1993, trú tại tỉnh Thanh Hóa; Phan Thị Bạc, SN 1994, trú tại tỉnh An Giang; Phạm Lý Hùng. SN 1994, trú tại Tp.HCM và Mạch Thị Mỵ, SN 1996, trú tại tỉnh Thanh Hóa.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, ổ nhóm tội phạm này đã thu thập hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân của nhiều người trên phạm vi cả nước, theo các nhóm vùng, miền, chức danh, nghề nghiệp... để bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, các đối tượng đã thu thập trái phép thông tin hàng nghìn khách hàng có hồ sơ vay vốn tín dụng ngân hàng, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm quyền truy cập SIM điện thoại, khôi phục lại mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking có liên kết với SIM để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Nhằm che giấu hành vi của mình, nhóm của Mạch Thị Nga, Mạch Thị Mỵ đã cấu kết với Nguyễn Phát Tài, đối tượng chuyên thực hiện hành vi “rửa tiền” thông qua việc thanh toán các hóa đơn điện, nước trên phạm vi toàn quốc. Ước tính, số lượng tài khoản ngân hàng giả mạo dùng để nhận tiền chiếm đoạt được và các tài khoản “rửa tiền” là khoảng 40 cái, với tổng số lượng giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng.
“Theo PA05, các chuyên án đấu tranh đã làm rõ 6 thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm công nghệ cao gồm: Chiếm quyền điều khiển, giả mạo tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo, mượn tiền những người trong danh sách bạn bè của nạn nhân. Lừa đảo qua hình thức nhắn tin trúng thưởng, cho vay trực tuyến bằng một số ứng dụng trên điện thoại thông minh; tham gia mini games trúng thưởng, gửi tiền phí tham gia, phí xác minh, phí vận chuyển; Giả danh người nước ngoài lừa đảo nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, sau đó giả danh nhân viên sân bay, nhân viên thuế để yêu cầu bị hại chuyển tiền nộp phí, nộp phạt rồi chiếm đoạt tài sản. Nhắn tin, gọi điện thoại giả danh cán bộ ngành Công an, Viện kiểm sát đang điều tra vụ án có liên quan đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng để điều tra làm rõ, khi điều tra làm rõ được số tiền sẽ trả lại cho nạn nhân; Chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân bằng một số hình thức như giả danh ngân hàng gửi liên kết yêu cầu cập nhật tài khoản, xác nhận chuyển tiền quốc tế, sau đó truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tiền trong tài khoản”. |
Ngô Huyền
Bài đăng trên Tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp số 10+11+12 (12/1 đến 14/1/2023)