+Aa-
    Zalo

    Cuộc chiến hơn 7 năm khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng, tương lai nào cho Syria?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm ở Syria đã khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng, hơn 11 triệu người phải đi di tản hoặc bị đẩy vào trại tị nạn dường như sắp kết thúc.

    Cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm ở Syria đã khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng, hơn 11 triệu người phải đi di tản hoặc bị đẩy vào trại tị nạn dường như sắp kết thúc.

    Syria bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm. Ảnh: Getty

    Trong thời gian gần đây, quân đội chính phủ Syria cùng với sự hỗ trợ của lực lượng đồng minh Nga và Iran đã liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng trên chiến trường, tiêu diệt nhiều kẻ khủng bố, trục xuất nhiều nhóm phiến quân.

    Theo các chuyên gia, Tổng thống Bashar al-Assad rõ ràng đã giành thế chủ động trong cuộc nội chiến và rất có thể, nhà lãnh đạo của Damascus sẽ sớm kết thúc xung đột, tiếp tục lãnh đạo đất nước.

    Khi bắt đầu đưa lực lượng đến Syria, Mỹ và các nước phương Tây khác như Anh, Pháp tin rằng, dù sớm hay muộn, ông Assad sẽ gặp số phận tương tự như nhà lãnh đạo Hosni Mubarak của Ai Cập, Zine Abidine Ben-Ali của Tunisia hay Muammar al-Qaddafi của Libya. Hầu hết mọi người nghĩ rằng Tổng thống Syria sẽ bị tước quyền lực, phải đi lưu vong hoặc tương tự.

    Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh tình hình ở Syria không diễn biến theo dự đoán. Chính phủ của ông Assad có lực lượng an ninh mạnh, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Hơn nữa, các đối thủ của ông Assad trong thế giới Ả Rập không thể hoặc không muốn bắt tay hợp tác để cùng xây dựng lên một phe đối lập vũ trang thống nhất.

    Trước những diễn biến như hiện nay, vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu tương lai Syria sẽ ra sao những năm dài chìm trong bạo lực, xung đột?

    Vấn đề ngoại giao của Syria

    Liên Hợp Quốc (LHQ) nhận thức rõ rằng một giải pháp chính trị toàn diện, xử lý nội bộ các phe phái ở Syria sẽ là lựa chọn nhanh nhất, hợp lý nhất để kết thúc chiến tranh.

    Trong khi đó, nếu tiếp tục xung đột quân sự, Syria sẽ bị tàn phá, nhiều dân thường thiệt mạng và tình hình càng khó ổn định hơn.

    Người dân Syria chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng cả về tính mạng và tài sản trong cuộc chiến trong khi tiến trình hòa bình vẫn "dậm chân tại chỗ". Ảnh: Getty

    Trước đây, LHQ đã bổ nhiệm 3 nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm chịu trách nhiệm cho tiến trình hòa bình Syria là cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, nhà ngoại giao Lakhdar Brahimi và Staffan de Mistura. Cả 3 người đều hết lòng ủng hộ khuôn khổ hòa bình chung, yêu cầu chế độ Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập đồng ý xây dựng một chính phủ chuyển tiếp, sau đó tổ chức bầu cử dân chủ, xây dựng đất nước tự do, công bằng.

    Tuy nhiên, thời gian trôi qua, ông Assad đã có những lựa chọn của riêng mình. Trong một số tuyên bố, ông khẳng định bản thân sẵn sàng bước xuống nếu điều đó tốt cho đất nước và người dân Syria. Mặt khác, lực lượng của ông nỗ lực đánh bại nhiều nhóm phiến quân, cáo buộc họ liên quan đến các tổ chức khủng bố khét tiếng như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bất chấp việc Mỹ và các đồng minh gọi đó là “phiến quân ôn hòa”.

    Các vòng đàm phán hòa bình Syria đã diễn ra nhiều lần trong những năm qua nhưng dần đi vào bế tắc.

    Mặt trận cuối cùng ở tỉnh Idlib

    Tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc Syria là khu vực cuối cùng của đất nước bị phe đối lập kiểm soát. Chính phủ của Tổng thống Assad muốn tái chiếm Idlib và đang tổ chức nhiều đợt tấn công lớn tại đây.

    Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự ở Idlib chắc chắn sẽ không giống như những hoạt động trước đây ở Homs, Aleppo, Daraya, Douma và Deraa hay ở các thị trấn dọc theo Cao nguyên Golan vì phiến quân không còn nơi nào để có thể chạy trốn. Họ có 3 sự lựa chọn: chiến đấu đến cùng và đối mặt với thảm họa nhân đạo lớn nhất của cuộc chiến; đầu hàng vô đầu kiện hoặc hi vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ, cung cấp cho họ một nơi trốn đáng tin cậy để giữ lại mạng sống.

    Kể từ khi chiến tranh nổ ra, dân số của tỉnh Idlib đã tăng gấp đôi so với trước đây. Hiện tại, họ đang lo lắng và cố gắng chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.

    Tái thiết đất nước sau chiến tranh

    Syria từng là một quốc gia xinh đẹp với nhiều di tích lịch sử cổ đại và kiến ​​trúc độc đáo. Cuộc chiến tranh đã nghiền nát phần lớn vẻ đẹp đó. Nhiều thành phố đã bị xóa sổ và chỉ còn lại đống đổ nát, khói bụi, tro tàn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng y tế của Syria cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

    Các chuyên gia đánh giá rằng có lẽ người Syria cần cả một thế hệ chăm chỉ làm việc, nỗ lực phấn đầu để hồi phục lại tình trạng nền kinh tế trước chiến tranh. Trong năm 2017, Ngân hàng Thế giới tính toán nền kinh tế Syria mất 226 tỷ USD trong GDP từ năm 2011 - 2016. Vào tháng 11/2017, LHQ ước tính sẽ tốn ít nhất 250 tỷ USD để tài trợ cho việc tái thiết và phục hồi Syria.

    Vấn đề tồn tại là chính phủ Syria sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền tái thiết ở quốc gia nào? Mỹ hay Liên minh châu Âu? Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định rằng Washington sẽ không rót tiền tái thiết cho đến khi tiến trình chính trị Syria được hoàn thiện. Trong khi đó, đồng minh của Syria là Liên bang Nga rất khó có thể hỗ trợ toàn bộ số tiền quá lớn như vậy.

    Nội chiến Syria đang bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến quy mô lớn, nhưng điều này không có nghĩa là những tổn thương của người Syria sắp kết thúc. Đất nước sẽ tiếp tục phải đối diện với hàng loạt hậu quả chiến tranh trong nhiều năm tới.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-chien-hon-7-nam-khien-hon-nua-trieu-nguoi-thiet-mang-tuong-lai-nao-cho-syria-a242393.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan