+Aa-
    Zalo

    Cuộc chiến công lý và tình người khi đứa trẻ có 3 người mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện nay, tình trạng tranh chấp xung quanh việc mang thai hộ đã bắt đầu manh nha xuất hiện, khiến không ít người quan ngại...

    (ĐSPL) - Hiện nay, tình trạng tranh chấp xung quanh việc mang thai hộ đã bắt đầu manh nha xuất hiện, khiến không ít người quan ngại...

    Chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Theo đó, pháp luật chính thức cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Khác với những điều luật được thông qua trước đó, quy định cho phép mang thai hộ chỉ đạt tỉ lệ tán thành gần 60\% bởi nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn rằng, điều luật mới này sẽ có những hệ lụy khó lường.

    Ghi nhận từ thực tế cho thấy, không cần phải đến thời điểm 1/1/2015 (luật có hiệu lực thi hành) thì mới phát sinh rắc rối. Hiện nay, tình trạng tranh chấp xung quanh việc mang thai hộ đã bắt đầu manh nha xuất hiện, khiến không ít người quan ngại...

    Cuộc chiến công lý và tình người khi đứa trẻ có mẹ cho trứng...
    Ảnh minh họa.

    Những đứa trẻ gây nhiều tranh cãi

    Một ngày nắng nóng tháng 7/2014, một người phụ nữ tuổi ngũ tuần, trong tâm trạng ủ dột và mệt mỏi, run rẩy trên tay một xấp đơn kêu cứu đến trước tòa soạn báo Đời sống và Pháp luật. Theo như giới thiệu, người phụ nữ là Lê Thị Hồng Thắng, SN 1965, trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Chị Thắng đến để cầu cứu về câu chuyện đầy nước mắt của chính bản thân mình. 

    Trong đơn, chị Thắng cho biết, chị chính là người đã sinh hạ ra cháu trai H.P.N. (SN 14/7/2013, tên thường gọi là Nghé). Quá trình thụ thai và sinh nở của chị rất khó khăn, tốn kém. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, ngày 21/5/2014, lợi dụng lúc chị Thắng vắng nhà, bố của cháu Nghé là anh S. (SN 1960, trú tại P. Đồng Tâm, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đã mang cháu đi mà không một lời giải thích. Khi chị Thắng đâm đơn lên các cơ quan chức năng đòi con, thì anh S. lại đưa các bằng chứng để chứng tỏ rằng cháu Nghé hoàn toàn không phải là con chị Thắng. Kể từ đó đến nay, ngoại trừ một lần duy nhất được cơ quan công an mời lên trụ sở nhận diện cháu, đã hơn hai tháng trôi qua, chị Thắng chưa một lần được gặp con.

    Cuộc chiến công lý và tình người khi đứa trẻ có mẹ cho trứng...
    Chị Lê Thị Hồng Thắng khẳng định cháu Nghé là do chị sinh ra.

    Theo lời kể, do đã từng một lần lỡ dở, nên khi gặp anh S., chị Thắng đã dành hết hy vọng và tình cảm cho người đàn ông thứ hai này. Mặc dù chung sống với nhau không có hôn thú, nhưng nhiều năm đầu gối tay ấp, tình yêu cũng đủ để hai người “kết trái đơm hoa”. Bất chấp tuổi đã cao, xét trên nhu cầu thực tế (anh S. rất muốn có một cậu con trai) nên cả hai đi đến quyết định sẽ sinh con.

    Tuy nhiên, quá trình mang thai không thuận lợi. Cuối năm 2010, chị Thắng mang thai tự nhiên nhưng chỉ được 8 tuần lại sảy. Tháng 4/2011, chị Thắng phải vào viện điều trị vô sinh và đến tháng 6/2011 thì quyết định làm hồ sơ xin thụ tinh ống nghiệm tại trung tâm hỗ trợ sinh sản (bệnh viện Phụ sản Trung ương). Trong quá trình điều trị, mặc dù đã dùng đủ các liệu pháp nhưng không thành công, cuối cùng các bác sỹ đã tư vấn chị Thắng nên xin noãn (trứng) từ người khác. “Chúng tôi có tất cả 29 phôi (trứng đã thụ tinh - PV) được lưu trữ trong tủ đông. Vì mục đích nhân đạo, tôi cũng đã đồng ý hiến đi 5, 6 phôi. Sau đó, bác sỹ lựa chọn một phôi thích hợp để cấy vào tử cung của tôi. Tôi khẳng định tôi chính là người mang thai và sinh ra cháu Nghé”, chị Thắng cho biết.

    Chị Thắng cũng đưa ra nhiều giấy tờ để chứng minh lập luận của mình gồm: Giấy ra viện sau đẻ mang tên Lê Thị Hồng Thắng, giấy khai sinh gốc phần đề tên mẹ là Lê Thị Hồng Thắng, giấy chứng sinh, sổ hộ khẩu có tên cháu H.P.N...

    Mặc dù kêu cứu với những đòi hỏi chính đáng như vậy, nhưng theo Công an quận Hà Đông, sự việc chị Thắng đòi quyền được nuôi con có những dấu hiệu khá phức tạp. Nếu chỉ nhìn vào những giấy tờ mà chị Thắng cung cấp thì có thể dễ dàng cho rằng, chị Thắng là mẹ đẻ của cháu Nghé. Tuy nhiên, theo thông tin anh S. cung cấp, cháu Nghé là do một người phụ nữ ở Chương Mỹ, Hà Nội mang thai hộ và sinh ra, còn chị Thắng chỉ đứng tên trên danh nghĩa (?!)

    Một em bé, ba người mẹ (?!)

    Theo thông tin PV tìm hiểu từ cơ quan công an, thì hiện nay, cơ quan này đang không loại trừ khả năng về một vụ “gửi đẻ” vô cùng hi hữu. Một cán bộ điều tra Công an quận Hà Đông cho biết, qua xác minh, tình cảm giữa anh S. và chị Thắng là có thật. Tuy nhiên, khi tình cảm này tan vỡ mới nảy sinh việc tranh chấp cháu S.. Do mỗi người đều đưa ra những chứng cứ khác nhau, đều có sức thuyết phục nên buộc cơ quan công an phải hết sức thận trọng trong việc xác minh các nguồn tin.

    Theo đó, cho đến thời điểm hiện tại, một nghi vấn đang rất được quan tâm là bé Nghé có tới... ba người mẹ. Đó là một người mẹ về mặt giấy tờ pháp lý (tức chị Thắng), người mẹ thứ hai là người mẹ sinh học (tức người cho trứng) và người mẹ thứ ba là người mẹ mang nặng đẻ đau (tức người mang thai hộ).

    Cuộc chiến công lý và tình người khi đứa trẻ có mẹ cho trứng...
    Cháu Nghé xinh xắn và đáng yêu đang là nguồn cơn tranh chấp giữa anh S. và chị Thắng.

    Theo giả thiết này, do không thể mang thai được, anh S. và chị Thắng đã nhờ một người phụ nữ khác mang thai hộ (dựa trên các phôi đã làm đông lạnh trước đó - PV). Sau đẻ xong, giữa các bên không có liên hệ gì. Tuy nhiên, khi phát sinh việc tranh chấp, bước đầu, người phụ nữ này đã thừa nhận việc mình là người mang thai hộ. Đây cũng chính là lý do tại sao anh S. nhất định không chịu giao con cho chị Thắng nuôi.

    Cho đến thời điểm hiện tại, câu chuyện tranh chấp con giữa chị Thắng và anh S. vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Ai đúng ai sai trong trường hợp này chắc chắn còn là một câu chuyện dài, qua nhiều cấp thẩm quyền và không loại trừ việc sử dụng đến các phương pháp y tế chuyên sâu như xét nghiệm ADN để tìm ra đâu là mẹ thật của cháu bé. Tuy nhiên, có một sự thật lạ lùng rằng, anh S. luôn sẵn sàng đi xét nghiệm còn chị Thắng thì lại không. Chị Thắng kiên quyết cho rằng, chị không cần làm việc đó bởi toàn bộ giấy tờ chị có đều đã chứng minh rằng chị là người sinh ra cháu Nghé. 

    Ngoài vụ việc hi hữu nói trên, trước đây việc mang thai hộ cũng đã xảy ra trường hợp đau lòng khi nhờ người đẻ thuê (đẻ chui) trước đây. Trường hợp chị Lê Thị Thu (ở Bắc Giang) là một ví dụ. Theo cam kết, chị Thu nhận 60 triệu đồng ban đầu và sẽ mang thai hộ đứa con của vợ chồng anh V. (Hà Nội). Trong quá trình mang thai, chị Thu còn được cặp vợ chồng này chu cấp 5 triệu đồng/tháng tiền dưỡng thai, chịu mọi phí tổn khám thai định kỳ và chi phí bệnh viện. Sau khi sinh, chị Thu sẽ giao đứa con lại cho vợ chồng anh V., nhận hết tiền, kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi sinh đứa bé, chị Thu thay đổi ý định. Chị cảm thấy đứa trẻ như là đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nên nhất quyết không giao lại con cho vợ chồng anh Vinh. Để tránh bị gây khó dễ, chị đã trả lại số tiền 60 triệu đồng cho vợ chồng anh Vinh rồi ôm con bỏ nhà đi biệt xứ. Vợ chồng anh Vinh cuối cùng đành phải cay đắng chấp nhận mất con mà cũng không biết phải xử lý làm sao.

    Một vụ việc phức tạp

    Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật qua điện thoại, ông Nguyễn Duy Hùng, Phó trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, trong vài ngày tới, công an quận sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này. “Đây là một vụ việc phức tạp, về mặt pháp lý, cháu N. là con của chị Thắng và anh S.. Tuy nhiên, hiện nay chị Thắng không chịu đi xét nghiệm ADN để xác định có phải là con của mình hay không. Toàn bộ giấy tờ liên quan đến cháu N. và người đứng tên trên đó (anh S., chị Thắng) do chị Thắng cung cấp hoàn toàn đúng và không phải là giả mạo”, ông Hùng nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-chien-cong-ly-va-tinh-nguoi-khi-dua-tre-co-3-nguoi-me-a42495.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan