(ĐSPL) - Mang thai hộ chính thức đi vào luật, thuyết phục được Quốc hội vì tinh thần nhân đạo tốt đẹp, đồng thời cũng là dấu ấn pháp lý đáp ứng nguyện vọng của hơn 700.000 cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn nhận không ít băn khoăn về những hậu quả khôn lường nếu không được điều chỉnh đầy đủ và rõ ràng.
Với tỷ lệ 79,52\% Đại biểu tán thành, chiều 19/06 Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) (chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2015) với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, vấn đề “mang thai hộ” từ lâu đã nhận được sự quan tâm nhất định của người dân, cùng với đó là nhiều quan điểm trái chiều.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, mang thai hộ là hành vi dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản, lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác. Khi đó, tử cung của người mang thai hộ sẽ giống như “vườn ươm” cho thai nhi. Điều kiện mang thai hộ đã được quy định cụ thể tại Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi.
Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 trước đây chưa có quy định đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2013 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã nghiêm cấm hành vi mang thai hộ này (khoản 1 Điều 6).
Sự điều chỉnh của Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã được đông đảo người dân đón nhận, bởi đây là quy định xuất phát từ tính nhân đạo, và nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Không chỉ vậy, có một sự thật là, cho dù luật pháp không điều chỉnh vấn đề này thì tình trạng mang thai hộ, “đẻ thuê”… vẫn diễn ra.
Tham gia vào nhiều diễn đàn xã hội lớn có đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm, không khó để bắt gặp những topic như: “Vợ chồng mình lấy nhau đã nhiều năm, nhưng do hoàn cảnh nên không thể tự mang thai. Mình cần tìm người mang thai hộ, điều kiện là …” hoặc “Mình năm nay 25 tuổi, đã sinh con một lần. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, đồng thời cũng để tạo điều kiện giúp đỡ cho các bố, mẹ hiếm muộn nên mình đồng ý mang thai hộ. Liên hệ với mình qua địa chỉ…“.
Tuy nhiên, vì đây là hành vi bị cấm nên việc tiến hành đều được thực hiện dưới dạng “chui”, không có cơ sở nào được đưa ra để quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi tham gia giao dịch này, cũng có nghĩa là không được pháp luật bảo vệ. Có nhiều kẻ đã lợi dụng tình trạng hiếm muộn, sự khao khát có một đứa con của chính các cặp vợ chồng trẻ để đem ra tính nhân đạo ra kinh doanh, lừa đảo.
Như vậy, mang thai hộ không chỉ dừng lại ở hiện tượng xã hội, mà nó còn là nhu cầu xã hội. Cùng với Nhà nước, pháp luật ra đời nhằm điều chỉnh các mối quan hệ, pháp luật là phương tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội. Đó là lý do tại sao việc cụ thể hóa vấn đề này dưới góc độ pháp luật lại được đông đảo người dân đón nhận đến vậy.
Với tư cách là văn bản pháp lý chuyên ngành, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đã đưa ra định hướng rất rõ ràng, theo đó việc mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện cơ bản nhất định và kiểm soát chặt chẽ. Việc quy định đối tượng thực hiện phương pháp chỉ có những người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc chồng đã giải quyết được tối ưu tình trạng cò mồi, kinh doanh, lừa đảo hay thương mại hóa hành động vốn rất nhân văn này.
Khái niệm “người thân thích” được giải thích tại Khoản 18, 19, Điều 3 của Luật. Đó là những người “có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời (những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).”
Không chỉ vậy, đối tượng này cần phải đảm bảo các yêu cầu khác liên quan đến sức khỏe sinh sản như độ tuổi, đã từng sinh con, đã được tư vấn về tâm lý. Đồng thời, nếu là người đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng… nhằm hạn chế tối đa những hậu quả không tốt phát sinh từ quá trình mang thai hộ.
Cũng theo Điều 95, mang thai hộ chỉ được đặt ra đối với những cặp vợ chồng không có con chung, phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ phải xuất phát trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của mỗi bên và bắt buộc phải lập thành văn bản.
Quy định như vậy xuất phát từ tính nhân đạo, đáp ứng nguyện vọng cho những đối tượng thực sự khát khao được làm cha, làm mẹ; đồng thời đảm bảo tiêu chí của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; hạn chế tình trạng vì hủ tục, vì tư tưởng lạc hậu (đơn cử như những trường hợp đã có con gái, nay mong muốn có thêm con trai nối dõi tông đường hoặc truyền thống của gia đình phải sinh nhiều con để hưng vượng …).
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, bổ sung lần này cũng có các điều khoản để giải quyết những rắc rối phát sinh. Đáng chú ý, việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con của người mang thai hộ.
Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con. Bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc giao con. Nếu bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản… Đây là những quy định xuất phát từ thực tế, đảm bảo tính nhân văn nhưng đồng thời cũng phải được quy định thật rõ ràng, chi tiết, tránh tình trạng tạo kẽ hở trong “công cuộc cải cách tinh thần mang tính bước nhảy” này.
Đồng thời, Chính phủ phải có trách nhiệm ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể vấn đề này để ý nghĩa nhân văn của mang thai hộ được đảm bảo thực thi trên thực tế. Thêm một cơ hội làm cha làm mẹ được mở ra cho tất cả các cặp vợ chồng, cơ hội để có thêm những gia đình trọn vẹn với tiếng khóc, cười của con trẻ.