Cụm thi tốt nghiệp tại nhiều địa phương có điểm cao hơn cụm thi do các trường đại học chủ trì ở cùng địa phương.
Trước thông tin cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT ở một vài tỉnh, thành tổ chức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có điểm thi cao hơn cụm thi đại học tại cùng địa phương, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu kết quả này có thực sự đáng tin? Làm sao để hạn chế mối nghi ngại này?
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, điểm thi một số môn, đặc biệt là các môn tự luận tại nhiều cụm thi tốt nghiệp ở một vài tỉnh như Sơn La, Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Nam... cao hơn điểm thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì ở cùng địa phương. Bên cạnh đó, số thí sinh bị điểm liệt tại các cụm tốt nghiệp này cũng rất ít.
Các ý kiến đề xuất nên bỏ sự phân biệt giữa cụm thi tốt nghiệp với cụm thi đại học. |
Năm 2015, tại khu vực phía Nam cũng đã xuất hiện trường hợp nhiều cụm thi địa phương có sự chênh lệch rất lớn về vị trí trong bảng xếp loại tốt nghiệp với bảng xếp loại chung.
Lý giải thực trạng này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - nhận định, rất có thể đã có sự nương tay trong quá trình coi và chấm thi tại một số cụm thi tốt nghiệp: “Không quy kết nhưng tôi thấy hiện nay đa phần các cụm thi tốt nghiệp tổ chức coi thi và chấm thi nhẹ nhàng hơn so với các cụm thi để xét tuyển vào đại học. Chính vì vậy nó mang tính bệnh hình thức, bệnh thành tích nhiều, không phản ánh được đúng thực chất”.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, trước sự chênh lệch này, việc mọi người nghi ngờ về tính minh bạch trong thi cử là chính đáng vì trong điều kiện hiện nay, không ít địa phương vẫn còn bệnh thành tích.
Thế nhưng, mọi người chỉ có quyền nghi ngờ nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận. Muốn kết luận được vấn đề cần phải có số liệu khách quan như băng hình trích xuất từ camera tại các phòng thi, hoặc số liệu từ các chuyên gia độc lập...
Cụ thể, các ý kiến đề xuất nên bỏ sự phân biệt giữa cụm thi tốt nghiệp với cụm thi đại học như hiện nay và tiến hành phân quá trình thi cử thành 2 công đoạn. Công đoạn tốt nghiệp dành cho toàn bộ học sinh sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông tại mỗi địa phương. Công đoạn thi đại học, cao đẳng dành cho những thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng.
Tiến sĩ Trần Đình Lý - trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP HCM - nói: “Việc tốt nghiệp trung học phổ thông nên giao cho Sở GD&ĐT và trường học tại các địa phương. Và các địa phương phải chịu trách nhiệm cả quá trình từ dạy học đến tốt nghiệp. Còn việc thi vào các trường đại học, cao đẳng thì nên để các trường đại học, cao đẳng tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
Việc bỏ hay duy trì cụm thi tốt nghiệp trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 hiện chưa được bàn tới. Vì thế, trong kỳ thi năm nay, dư luận vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về tính khách quan của các cụm thi này.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng, để hạn chế sự nghi ngờ trong dư luận, điều Bộ GD&ĐT cần làm là sớm công khai đầy đủ các số liệu độc lập để các bên liên quan thuận lợi trong việc kiểm tra, đối sánh: “Tất cả các số liệu thi cử không được xem như là sở hữu của ngành giáo dục hay của các Sở GD&ĐT mà phải thành số liệu công khai.
Hiện nay, tôi thấy chỉ báo cáo kết quả cuối cùng. Còn việc để làm sao cho ra kết quả đó như coi thi có tốt không, làm sao kiểm tra... thì không có. Mình là người làm và cũng là người báo cáo thông tin thì không thể khách quan”.
Vì chưa thực sự an tâm với chất lượng của các cụm thi tốt nghiệp nên không ít đại diện các trường đại học tại TP HCM cho rằng, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh trong việc tổ chức các cụm thi.
Mỹ Dung
Nguồn: VOV