(ĐSPL) - Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu tình huống "khó xử" trong việc thu hồi nhà công vụ.
Nếu cứ để cách quản lý như hiện nay rất khó kiểm soát nhà công vụ
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Như Tiến nêu ý kiến: "Theo tôi, nên tập trung một đầu mối quản lý Nhà nước về nhà công vụ và nên giao cho Bộ Xây dựng. Chứ hiện nay rất nhiều đầu mối khác nhau quản lý nhà công vụ: Có nhà công vụ của cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, các bộ ngành và cả các tổ chức chính trị - xã hội. Cần thành lập mô hình như các nước là giao cho các doanh nghiệp xây dựng và quản lý các khu nhà công vụ và những người nào có tiêu chuẩn thì được thuê (giá thuê có sự hỗ trợ của Nhà nước). Nếu cứ để cách quản lý như của ta hiện nay rất khó kiểm soát nhà công vụ.
Ông Lê Như Tiến. |
Thử hình dung ra một ông Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng mới nghỉ hưu thì làm sao ông Cục trưởng Cục quản trị hay Chánh văn phòng bộ ấy dám đến đòi nhà. Ngày hôm trước ông ấy là sếp ký quyết định bổ nhiệm mình thì ngày hôm sau mình đâu dám ký quyết định thu hồi nhà của ông ấy. Theo mô hình quản lý nhà công vụ của nhiều nước, các đối tượng được thuê nhà ưu đãi vẫn phải làm hợp đồng với doanh nghiệp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không phải là người ở nhà công vụ không có nghĩa vụ nào cả. Không thể có chuyện anh cũng nhận lương như người khác, trong khi người ta phải bỏ tiền ra mua nhà để ở thì anh lại được bao cấp hoàn toàn về nhà ở".
Tình cảm cần trân trọng, nhưng luật pháp phải nghiêm minh
Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phải lập lại kỷ cương trong quản lý nhà công vụ bởi vừa qua một số cán bộ nghỉ hưu chưa gương mẫu trong trả lại nhà, đối tượng chịu trách nhiệm quản lý thì nể nang khi thu hồi. Chính sách nhà ở của chúng ta là công khai, bình đẳng theo từng cấp có tiêu chuẩn. Nếu pháp luật chưa quy định cụ thể, thì cần hoàn thiện ngay, còn nếu do người quản lý thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Bùi Đức Thụ. |
Cần phải nói rằng một số cán bộ lãnh đạo về nghỉ hưu chưa gương mẫu, chưa ý thức rõ trách nhiệm của mình nên vẫn còn tình trạng chiếm dụng nhà công vụ. Còn những cán bộ quản lý được giao nhiệm vụ cũng ngại ngần nhất định vì trước đó những người thuê nhà này là lãnh đạo. Tôi cho rằng, tình cảm cần trân trọng, nhưng luật pháp cần nghiêm minh. Tình cảm phải nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Trước tình trạng này Chính phủ cần vào cuộc chỉ đạo để đánh giá thực trạng ở mức độ nào? Kiểm điểm trách nhiệm người được giao, trên cơ sở đó lập lại trật tự kỷ cương, đảm bảo mọi tài sản của Nhà nước phải được quản lý, sử dụng theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước cũng có thể thực hiện kiểm toán chuyên đề để trả lời trước Quốc hội những câu hỏi: Có bao nhiêu nhà công vụ, chất lượng như thế nào, quản lý sử dụng ra sao... Phải báo cáo rõ thực trạng của bức tranh quản lý, sử dụng nhà công vụ để kiến nghị cơ chế, chấn chỉnh lại công tác quản lý, sử dụng.
Tránh việc "đánh trống khua chiêng"
TS. Nguyễn Tùng Lâm, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT TP. Hà Nội cho rằng: Việc chống tham nhũng hiện mới chỉ khởi động và đây là tín hiệu tốt tạo dựng lòng tin của người dân. Trong quản lý tài sản công, tránh tình trạng lúc đầu phát hiện thì "đánh trống khua chiêng" rồi sau đó lại rơi vào im lặng. Mấy ngày qua, báo chí lại đề cập đến vụ bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên là rất cần thiết vì một vụ việc như vậy mà để kéo dài quá lâu vẫn không giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân kéo dài do thành phố chưa làm nghiêm các Nghị quyết, các quy định đã có.
"Không thể đợi đến khi ông Nghiên vừa lòng rồi thì mới chuyển đi khỏi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được. Làm như vậy là không đúng vì ông Nghiên không phải là người thiếu nhà", ông Lâm kiến nghị.