Các số liệu thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ cử tri vắng mặt, không đi bỏ phiếu tại cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng hai tăng cao so với thời điểm cách đây 5 năm.
Tin tức báo TTXVN đăng tải, bộ Nội vụ Pháp cho biết tính tới thời điểm 12 giờ ngày 18/6 theo giờ địa phương, chỉ có 17,75% cử đi bỏ phiếu, giảm so với mức 21,41% trong cùng thời điểm này vào năm 2012 và mức 19,24% trong cuộc bầu cử vòng 1 diễn ra hôm 11/6 vừa qua.
Đây là tỷ lệ cử tri vắng mặt cao kỷ lục trong một cuộc một bầu cử Hạ viện vòng hai kể từ năm 1997 được Bộ trên ghi nhận.
Cử tri đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Carhaix-Plouguer ngày 18/6. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tại vòng hai, chỉ có 1.151 ứng cử viên tham gia tranh cử trong khi con số này tại vòng một là 7.877. Điều kiện để được lọt vào vòng hai là phải đạt được ít nhất 12,5% số phiếu bầu.
Sau cuộc bầu cử vòng 1, 4 ứng cử viên đã ngay lập tức trở thành nghị sỹ mà không cần phải qua cuộc bầu cử vòng 2. Điều kiện để chiến thắng ngay lập tức là ứng cử viên đó phải nhận được hơn 50% số phiếu bầu tại vòng một và số cử tri đi bỏ phiếu cao hơn 25%.
Các cuộc thăm dò trước đó cho thấy đảng của đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện vòng 2 này.
Báo VOV thông tin, tại vòng một diễn ra vào ngày 11/6 vừa qua, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mặc dù mới chỉ được thành lập cách đây hơn 1 năm song đã giành chiến thắng vang dội với 32,3% số phiếu bầu, đứng trên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (21,5%), đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (13,2%); phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất (13,7%), và đảng Xã hội cánh tả (9,5%). Thực tế là nhiều chính khách tên tuổi đến từ các đảng truyền thống đã bị thất cử hoặc yếu thế hơn trước các ứng cử viên của đảng Cộng hòa Tiến bước tại cuộc bầu cử vòng một.
Với kết quả này, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước và đảng liên minh cánh trung Phong trào Dân chủ (MoDem) dự kiến sẽ giành được từ 440 đến 470 trong tổng số 577 ghế của Hạ viện khóa mới, tức là chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Đây được xem là một chiến thắng lịch sử, vượt xa mức đa số tuyệt đối cần thiết, tạo thuận lợi để Tổng thống Macron tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống chính trị và nền kinh tế đất nước. Đề cập đến xu thế chiến thắng vang dội của đảng Nền Cộng hòa Tiến bước tại vòng hai, báo chí Pháp đã gọi đây là “cơn sóng”, “trận đại hồng thủy”, thậm chí là “vụ nổ big bang”.
(Tổng hợp)