+Aa-
    Zalo

    Cử tri kiến nghị không tăng học phí đại học, Bộ GD&ĐT nói gì?

    (ĐS&PL) - Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thì nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động.

    Mới đây, cử tri An Giang kiến nghị không tăng học phí bậc đại học để giảm bớt khó khăn cho các gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, qua đó tạo cơ hội để sinh viên yên tâm học tập.

    Theo báo Tuổi Trẻ, trả lời kiến nghị trên, Bộ GD&ĐT cho biết Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021 quy định về mức học phí của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

    Trong đó quy định lộ trình điều chỉnh học phí hằng năm để đảm bảo tính giá dịch vụ giáo dục và đào tạo theo tinh thần nghị quyết 19/2017 của trung ương về tiếp tục đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

    Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhằm kiểm soát lạm phát, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 165/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Do đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023). Mức học phí này rất thấp, mới chỉ đảm bảo 40 - 50% chi phí đào tạo, phần còn lại ngân sách nhà nước vẫn phải hỗ trợ.

    Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thì nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động. Ảnh minh họa

    Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thì nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động. Ảnh minh họa

    Tuy nhiên, theo bộ, trong bối cảnh học phí không tăng nhưng hằng năm ngân sách nhà nước đều cắt giảm 2,5% chi thường xuyên, đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học. Nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thì nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động, đặc biệt không thực hiện được lộ trình tính giá dịch vụ theo quy định ở nghị quyết 19.

    Theo Bộ GD&ĐT, từ năm học 2023 - 2024 Chính phủ ban hành nghị định 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021 quy định mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 quy định tại nghị định 97/2023 (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại nghị định 81/2021).

    Các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo ở nghị định 81/2021 tiếp tục được thực hiện để giảm bớt gánh nặng tài chính cho học sinh, gia đình.

    Bộ GD&ĐT cũng cho hay, thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan tổng hợp ý kiến trong quá trình thực hiện để đề xuất, sửa đổi nghị định 81/2021 quy định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xã hội và thực hiện an sinh xã hội.

    Đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

    Về kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang, về việc nghiên cứu, xây dựng thông tư mới thay thế thông tư 17/2012 của bộ quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng cần hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ dạy thêm, học thêm....Bộ GD&ĐT cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của học sinh, cha mẹ học sinh nhằm đáp ứng mong muốn nâng cao tri thức, phát triển năng khiếu cá nhân.

    Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

    Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

    Nếu thực hiện đúng nhu cầu thực tế của học sinh, cha mẹ học sinh đây là một cách huy động sự tham gia của gia đình vào giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

    Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm. Sau khi luật sửa đổi Luật Đầu tư 2016 đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện, cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại thông tư 17 không còn phù hợp.

    Vì vậy, bộ đã ban hành quyết định công bố hết hiệu lực các điều này. Tuy nhiên, các quy định khác của thông tư 17 vẫn có hiệu lực thi hành, đặc biệt các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm...

    Trên thực tế, thời gian qua nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của thông tư 17 đã ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn.

    Tiếp thu ý kiến của cử tri, đến nay bộ đã dự thảo thông tư thay thế thông tư 17 và xin ý kiến rộng rãi. Đồng thời, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/cu-tri-kien-nghi-khong-tang-hoc-phi-ai-hoc-bo-gd-t-noi-gi-a473773.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan