Bé Nguyễn Hoàng Minh An (7 tuổi) khiến nhiều người bất ngờ vì khả năng giao tiếp tiếng Anh, tiếng Pháp lưu loát. Khả năng đó có được là nhờ sự định hướng rõ ràng của bố mẹ bé: Biết càng nhiều ngoại ngữ thì sẽ càng nhiều cơ hội phát triển khi lớn lên.
"Chơi với kiến thức”
Bé Minh An, hay còn có tên là Ann, học sinh trường Alexandre Yesin -Trường quốc tế Pháp tại Hà Nội bỗng trở thành hiện tượng ngoại ngữ khi chỉ mới 7 tuổi, Ann đã có thể tự tin xuất hiện trên chương trình 8IELTS của VTV7 và nói thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, bé Minh Ann còn sở hữu một kênh Youtube riêng, ngày ngày cô bé vẫn giao lưu với bạn bè trong nước, quốc tế và trao đổi kinh nghiệm học ngoại ngữ.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Trịnh Đức Phương Linh (SN 1988) mẹ của bé Minh Ann cho hay: “Tôi nghĩ cách tốt nhất trong mọi vấn đề học tập là để con được tự do phát triển tư duy và lựa chọn của mình. Lúc con tròn 8 tháng tuổi, tôi bắt đầu cho con làm quen với tiếng Anh.
Với Ann hay các em bé khác lần đầu được học ngôn ngữ là một trải nghiệm và không có sự so sánh giữa các ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ hay tiếng nước ngoài. Sự công bằng này chỉ có được ở trẻ nhỏ mới bắt đầu quá trình tiếp thu học nói theo bản năng.
Ban đầu tôi cho Ann xem DVD có tên Brainy Baby - đó là một bộ DVD phổ biến về tiếp cận với tiếng Anh. Hoặc tôi mở nhạc tiếng Anh cho con nghe, nhưng sự phân bổ về ngôn ngữ trong ngày cũng khá công bằng. Không có sự phân biệt hay chênh lệch về thời lượng giữa tiếng Việt và tiếng Anh”.
Bé Minh Ann thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình. |
Nhiều người khuyên chị Phương Linh rằng nếu muốn cho con phát triển ngoại ngữ tốt, nên thuê hẳn một giáo viên nhưng chị Phương Linh cho rằng: “Tôi nghĩ dạy con không nên quá cầu kỳ, quan trọng là sự phát triển tự nhiên. Chúng ta dạy con được tiếng Việt, thế tại sao không cho con học tiếng Anh, tiếng Pháp... như chính tiếng mẹ đẻ?”.
Cũng theo chị Phương Linh, khi bé Minh Ann khoảng 22 tháng tuổi, thời điểm bé nói được một câu tiếng Việt dài khoảng 7 từ, chị cho con đi học mẫu giáo (bao gồm chương trình giảng dạy tiếng Anh).
“Thời điểm đó, Ann đã làm quen với tiếng Anh, nhưng con nói khá rời rạc, linh tinh theo bản năng, điều đó là tự nhiên và cần thiết. Để con có vốn từ vựng, khi cầm một đồ vật, hoặc một loại quả, tôi đều hỏi con bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Theo chị Phương Linh, muốn con phát triển toàn diện hãy để con phát triển tự nhiên. |
Khi đó, con đều hiểu và chủ động nói từ tiếng Anh kết hợp với tiếng Việt rất ngô nghê. Vấn đề quan trọng trong học ngôn ngữ, tôi nghĩ là tự nhiên nhưng đều đặn, kiên trì. Tự nhiên ở đây là đưa học vào đời sống của con một cách có ý thức triệt để nhưng không ép buộc” chị Phương Linh nhấn mạnh.
Trong quá trình dạy con, chị Phương Linh hiểu rằng, tạo hứng thú cho bài học và để con chủ động là điều rất cần thiết. Và chị luôn nghĩ ra các tình huống để kéo con vào bài học tự nhiên nhất.
Bởi thế, hơn 3 tuổi, bé Minh Ann đã có thể nói thành thạo tiếng Anh. Mỗi lần trò chuyện cùng con, chị Phương Linh luôn yêu cầu con phải nói liền mạch một câu tiếng Việt hoặc tiếng Anh (không nói xen kẽ).
Chị Phương Linh chia sẻ: “Tôi luôn chủ động yêu cầu con nói một câu tiếng Việt hoặc tiếng Anh hoàn chỉnh, không để con nói xen kẽ hai thứ tiếng cùng một lúc. Tôi nghĩ, giai đoạn đầu đời việc dùng một ngôn ngữ trọn vẹn trong một câu sẽ giúp con hiểu về từ theo hệ thống ngữ nghĩa và logic ngữ pháp đặc trưng của ngôn ngữ mình đang dùng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng phải nhẹ nhàng từ tốn, hãy dạy con những kiến thức phù hợp với từng lứa tuổi. Quan trọng nhất là tạo được không gian tự nhiên để con học tập tốt”.
Phương pháp dạy con của bà mẹ 8x là “Chơi với kiến thức”, nghĩa là, trong mỗi bài học chị luôn để con được tự do lắng nghe, chủ động nói những gì con nghĩ và bố mẹ tiếp nhận một cách vui vẻ, dù ý kiến của con đôi khi có chút ngô nghê hoặc... chẳng liên quan gì đến kiến thức.
Với bà mẹ trẻ 8X, khả năng đa ngữ tạo điều kiện tốt để con trẻ bước ra thế giới với nhiều cơ hội trải nghiệm khác biệt.
Ngoài ra, chị khuyến khích bé tham gia các hoạt động khác như vẽ, chơi piano, bơi,... việc hiểu con, tạo điều kiện để con vừa chơi vừa học là công việc chính của các bậc phụ huynh.
Tiếp tục với ngoại ngữ thứ 3
Minh An học tiếng Anh từ lúc 8 tháng tuổi và hiện nay bé có thể nói thành thạo cả hai ngôn ngữ này như tiếng mẹ đẻ.
“Tôi có định hướng rõ ràng rằng khả năng đa ngữ tạo điều kiện tốt để con trẻ bước ra thế giới với nhiều cơ hội trải nghiệm khác biệt. Khi Minh Ann học tiếng Anh được 3 năm, nói viết thạo, tôi chuyển bé sang trường Pháp. Con bắt đầu tiếp xúc với tiếng Pháp và học tiếng Pháp.
Đến hiện tại, Ann đã nói thạo cả tiếng Pháp. Việc lựa chọn một ngôn ngữ thứ tư là việc hoàn toàn ở quyết định của chính con, chúng tôi sẽ tham vấn chứ không can dự vào quyết định đó. Trong tương lai gần, Ann sẽ tiếp tục học thêm tiếng Tây Ban Nha”, chị Phương Linh cho biết.
Khi tròn 5 tuổi, Ann bắt đầu tiếp cận thêm tiếng Pháp: “Tôi không sợ An bị rối hay không có thời gian cho việc học hỏi những lĩnh vực hay môn học khác. Khi cháu học bất kì điều mới nào, cháu cũng cần phải chia sẻ về nó và tôi coi đó là môi trường, điều kiện cho cháu phát triển ngôn ngữ. Không có sự tách biệt thời gian dành cho học ngoại ngữ và thời gian học các lĩnh vực khác, chúng song song với nhau”.
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng
Ngoài việc tạo cho con sự phát triển tự nhiên nhất trong học tập, chị Phương Linh cũng rất chú tâm tới chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của con.
Chị Phương Linh cho hay: “Ai cũng hiểu rằng dinh dưỡng và vận động là yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển của con trẻ. Tuy nhiên mỗi một gia đình, thói quen chăm con lại hoàn toàn khác nhau. Nguyên tắc của tôi là có đói thì sẽ có ăn, càng vận động nhiều thì đề kháng càng tốt. Như vậy trong bữa ăn thì tôi đảm bảo cơ bản là có rau, đạm, tinh bột. Cũng không cầu kỳ thêm các yếu tố “đặc biệt” gì cả.
Ann khá mảnh khảnh nhưng ít ốm và không chê món ăn nào. Đơn giản vì con vận động nhiều và tới khi đói sẽ ăn cơm. Những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải bà mẹ nào cũng đủ kiên trì hay dũng cảm để con ăn đơn giản”.
Cũng theo bà mẹ trẻ này, ăn uống cũng như học tập, không thể ép con theo ý mình: “Ăn hay bất kỳ hoạt động nào trong đời sống của con đều do chính con quyết định, đừng lấy đi quyền quyết định của con từ khi con bắt đầu có ý thức tương tác, như vậy cha mẹ nhàn, và con thì tự hiểu con có quyền hạn và trách nhiệm gì với chính bản thân con. Điều này cũng chính là cốt lõi của việc con quyết định học cái gì cho bản thân con”.
Giờ giấc ăn ngủ của con cũng rất quan trọng, các mẹ nên cho con ngủ sớm trước 9h tối, hạn chế cho trẻ thức sau 9h, vì cho trẻ ngủ sớm mới giúp bé tái tạo được năng lượng đã mất sau một ngày học tập, vui chơi căng thẳng. Trung bình An và em trai ngủ 10h mỗi ngày vào ban đêm. Trò chuyện với PV, bé Minh Ann lém lỉnh: “Con muốn sau này trở thành một người viết sách. Con sẽ viết các loại sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh và cả tiếng Pháp... con sẽ vẽ cả tranh trong đó”.
Cũng bởi có sự kiên trì và đều đặn trong cách chăm sóc con trẻ, chị Phương Linh vẫn tiếp tục áp dụng cách dạy con này cho bé thứ hai và chị thấy điều đó khá thành công. “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ dạy con để bé trở thành một thiên tài hay thần đồng. Tôi chỉ mong sao con luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Điều quan trọng là con tự cảm thấy cần thiết và thoải mái”.
Theo chị Phương Linh, phương pháp dạy con tiếp xúc sớm với ngoại ngữ của chị cũng gặp phải không ít khó khăn, bởi không phải lúc nào vợ chồng chị cũng làm tốt: “Để đồng hành cùng con, vợ chồng tôi cũng phải học hỏi thêm rất nhiều. Vốn tiếng Anh, tiếng Pháp của vợ chồng tôi cũng có giới hạn. Chưa kể, ông bà các cháu cũng nói, việc cho con học tiếng nước ngoài sớm sẽ ảnh hưởng đến vốn tiếng Việt của cháu. Tuy nhiên, cha mẹ là những thành tố mang tính định hướng ban đầu cho con cái quan trọng nhất”. |
Thanh Bình