Công ty cổ phần Kosy (Kosy, mã chứng khoán: KOS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 12% lên 336 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng chỉ tăng nhẹ nên lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 54,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mảng hoạt động tài chính suy giảm mạnh 90%, chỉ mang về 2,5 tỷ đồng, do lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư trong kỳ giảm.
Về chi phí, công ty cho biết chi phí tài chính quý IV/2023 tăng 11% lên 32,1 tỷ đồng và chủ yếu là lãi vay tài chính. Chi phí bán hàng cũng đội lên 23 lần, ở mức 5,5 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần giảm còn 9,7 tỷ đồng.
Kết thúc quý IV/2023, Kosy báo lãi sau thuế ở mức 4,4 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, KOS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.316 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Kosy báo lãi trước thuế đạt 31,3 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với con số 32 tỷ đồng của năm 2022. Tương tự, lãi ròng của Kosy cũng giảm không đáng kể so với năm trước khi đem về gần 21 tỷ đồng.
So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Kosy mới chỉ thực hiện được 17,5% kế hoạch.
Hơn 2.400 tỷ đồng “chôn” trong bất động sản
Tại ngày 31/12/2023, Kosy ghi nhận tổng tài sản ở mức 4.754 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền nắm giữ giảm 15 lần so với đầu năm còn 3,5 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 25% còn 764 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng đang “chôn vốn” 2.474 tỷ đồng tại hàng tồn kho, tăng 7,5% so với đầu năm. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại loạt dự án tai tiếng của Kosy vướng lùm xùm trong những năm qua như Kosy Lào Cai 411 tỷ đồng, Kosy Gia Sàng 11 506 tỷ đồng, Kosy Hà Nam 761 tỷ đồng, Kosy Bắc Giang 377 tỷ đồng, Kosy Sông Công 113 tỷ đồng...
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Kosy giảm nhẹ 4,1% còn 2.447 tỷ đồng. Trong đó, một số khoản vay lớn như: Vay dài hạn Ngân hàng Agribank - CN Hoàng Mai (265,3 tỷ đồng); vay ngắn hạn Ngân hàng liên doanh Việt Nga - Sở Giao dịch (115 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Bảo Việt - CN Sở giao dịch (100 tỷ đồng);...
Trong năm 2023, HĐQT Kosy đã nhiều lần thông qua nghị quyết sử dụng tài sản để đảm bảo cho các khoản vay. Đơn cử như tháng 9/2023, HĐQT thông qua bổ sung tài sản của công ty làm tài sản thế chấp đảm bảo nghĩa vụ vay vốn của công ty tại Ngân hàng PVcomBank - CN Thăng Long; tháng 12/2023 thông qua bổ sung tài sản bảo đảm của công ty để bảo đảm khoản vay tại Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga...
Công ty cổ phần Kosy được thành lập vào năm 2008, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản và xác định đây là mảng miếng chủ lực với dự án đầu tay Moutain View ở Lào Cai.
Giai đoạn 2014-2017, Kosy lấn sân phát triển các dự án nhà ở tại Thái Nguyên và Bắc Giang, bên cạnh dự án chủ lực ở Lào Cai.
Cuối năm 2017, Kosy trở thành công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM, năm 2019 niêm yết cổ phiếu trên HoSE và phát triển chuỗi dự án bất động sản, năng lượng từ Bắc vào Nam với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo giới thiệu, Kosy có khát vọng trở thành tập đoàn đa ngành với mô hình Holding, xuất phát từ 2 lĩnh vực mũi nhọn hiện tại là bất động sản và năng lượng tái tạo. Hệ sinh thái “họ” Kosy gồm Công ty cổ phần Xây dựng KSCONS, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thủy điện, Công ty cổ phần Điện Mường Tùng, Công ty cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu, Công ty cổ phần Đầu tư Leo Regulus,…
Quá trình phát triển của Kosy gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật) và phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Hằng – Phó chủ tịch HĐQT.
Là một doanh nghiệp niêm yết, song thực chất Kosy Group vẫn do các thành viên trong nhà ông Nguyễn Việt Cường chia nhau nắm giữ những chức vụ chủ chốt.
Ngoài ra, theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023, cá nhân ông Nguyễn Việt Cường cùng người thân và các công ty có liên quan nắm khoảng 60% vốn điều lệ.
Vân Anh