+Aa-
    Zalo

    CSGT không phải chào người say rượu, có hành vi thiếu văn hóa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm.

    Khi người lái xuống xe, CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã.

    CSGT dừng xe kiểm tra người vi phạm. Ảnh: Công An Nhân Dân 

    Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, gồm 3 chương 16 điều. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tới ngày 2/12/2019.

    Dự thảo sẽ thay thế Thông tư 01/2016. So với quy định hiện hành ở Thông tư 01/2016, dự thảo có một số quy định được thay đổi, bổ sung.

    Bốn trường hợp CSGT được dừng xe

    Khoản 1 Điều 9 dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát trong bốn trường hợp sau:

    Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

    Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    Thứ ba, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

    Thứ tư, tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

    Như vậy, so với quy định hiện hành, trường hợp thực hiện kế hoạch tổ chức TTKS và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên không được xem là trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra.

    CSGT không chào người phạm tội, say rượu, có hành vi thiếu văn hóa

    Theo dự thảo Thông tư thay thế thông tư 01/2016, sau khi ra hiệu lệnh và xe cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí, CSGT được phân công làm nhiệm vụ đứng ở vị trí an toàn thông báo cho người đi xe thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống xe và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định.

    Khi người lái xuống xe, CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa, sử dụng rượu bia, chất kích thích khác.

    Sau khi chào theo điều lệnh, CSGT chào và đưa ra yêu cầu kiểm soát bằng lời nói: "Chào ông (bà, anh, chị…), yêu cầu ông (bà, anh, chị...) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện".

    Khi tiếp nhận các loại giấy tờ, CSGT phải thông báo cho người điều khiển và những người trên xe biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung theo quy định.

    Khi kiểm soát xong, CSGT phải thông báo cho người điều khiển, những người trên xe biết kết quả, hành vi vi phạm, biện pháp xử lý và nói: "Cảm ơn ông (bà, anh, chị,…) đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".

    Những nội dung này vốn chỉ được quy định trong các văn bản lưu hành nội bộ của lực lượng công an, không được phổ biến rộng rãi đến người dân.

    Người dân muốn ghi âm, ghi hình CSGT phải giữ khoảng cách nhất định

    Dự thảo mới đã bổ sung thêm một số hình thức giám sát của người dân đối với hoạt động của công an nhân dân.

    Cụ thể, người dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Công an nhân dân, trong đó có lực lượng CSGT, trong đó gồm: Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; và giám sát việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ.

    Việc giám sát có thể được áp dụng theo hình thức thông qua các thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

    Trước đó, cuối tháng 6, bộ Công an công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhưng đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Sau đó, dư luận đã có nhiều ý kiến không đồng tình về việc này.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/csgt-khong-phai-chao-nguoi-say-ruou-co-hanh-vi-thieu-van-hoa-a296140.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan