(ĐSPL) - Thông tin mới nhất từ Bộ công thương, Công ty TNHH công nghệ thực phẩm miền Tây (West Vina) Việt Nam bị Brazil từ chối nhập khẩu cá tra.
Công ty TNHH công nghệ thực phẩm miền Tây Việt Nam chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, cá biển các loại,.. |
Cụ thể, ngày 28/10/2016, Bộ Công Thương nhận được Công điện số 125/2016/Br ngày 25/10/2016 của Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil về việc Bộ Nông nghiệp Bra-xin ra Thông tư số 537 quyết định dừng nhập khẩu cá tra của Công ty West Vina.
Lý do được đưa ra là vi phạm việc thay đổi các thành phần lý-hóa trong sản phẩm phi lê cá tra, basa đông lạnh.
Công ty TNHH công nghệ thực phẩm miền Tây Việt Nam chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, cá biển các loại,..
Địa chỉ nhà máy tại lô 2.20F1 – KCN Trà Nóc 2 – phường Phước Thới – quận Ô Môn –Tp. Cần Thơ.
Ngoài ra, liên quan đến sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Brazil còn có ba công ty nằm trong danh sách các doanh nghiệp quốc tế bị giám sát đặc biệt đó là: Tập đoàn Hasa Seafood Corporation; Công ty liên doanh Mekong Fisheries Joint Stock Company; Tập đoàn Hùng Vương.
Để không ảnh hưởng tới việc xuất khẩu thủy sản vào Brazil, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thông báo tới ba doanh nghiệp là Tập đoàn Hasa Seafood Corporation; Công ty liên doanh Mekong Fisheries Joint Stock Company; Tập đoàn Hùng Vương cần cung cấp thông tin có liên quan theo yêu cầu của phía Brazil và thực hiện các biện pháp khắc phục để có thể tiếp tục xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng gần 7% về sản lượng và trị giá xuất khẩu, đạt gần 1,2 tỷ USD.
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu cá tra trong quý 4.2016 và quý 1.2017 tăng ở hầu hết các thị trường, mức tăng khoảng 20% do đây là mua cao điểm tiêu thụ. Với tình hình thị trường có nhiều tích cực như vậy, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ tăng khoảng 5-7% so với kế hoạch 1,5 tỷ USD.
Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về “Nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” mới được xuất khẩu các sản phẩm cá tra. Cụ thể gồm hai điều kiện sau: Thứ nhất, đối với thương nhân có cơ sở chế biến cá tra thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thực phẩm thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. 2. Cơ sở chế biến cá tra phải nằm trong quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận. 3. Áp dụng các biện pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra chế biến. 4. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. 5. Bảo đảm chất lượng đã công bố đối với sản phẩm cá tra xuất xưởng; tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cá tra đã công bố; thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. 6. Đối với cơ sở chế biến cá tra xây dựng mới, phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trước khi hoạt động. Đối với thương nhân không có cơ sở chế biến cá tra thì phải có hợp đồng gia công hoặc hợp đồng mua sản phẩm tại cơ sở chế biến đủ điều kiện theo quy định. Đặc biệt đến 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá tra Việt Nam theo quy định. Chỉ những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội cá tra Việt Nam xác nhận mới được thông quan. |
Hoàng Hà