Trong khoảng thời gian 6 tháng ĐBQH Phạm Phú Quốc giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận- IPC, doanh nghiệp này có chuyển động mạnh về số liệu tài chính nhưng chủ yếu đến từ nguồn thu nhập khác.
Tổng Giám đốc Tân Thuận TIPC- Phạm Phú Quốc. |
Tháng 12/2019, UBND TP.HCM đã ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Trước đó, ông Quốc từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty Bến Thành, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM. Ông Quốc đang là ĐBQH khoá XIV nhiệm kỳ 2016-2020 thuộc đoàn TP.HCM.
Ông Phạm Phú Quốc (SN 1968), quê quán tại xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị, cư trú tại TP.HCM.
Ông Phạm Phú Quốc là doanh nhân có nhiều năm công tác tại các tổng công ty Nhà nước và hiện đang là ĐBQH khóa XIV nhiệm kì 2016 - 2021, đoàn TP.HCM.
Ông Phạm Phú Quốc từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty Bến Thành, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận.
Quyết định được UBND TP.HCM ban hành sau hơn nửa năm cựu Tổng Giám đốc Tân Thuận IPC Tề Trí Dũng bị khởi tổ, bắt tạm giam về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Sau 6 tháng ông Phạm Phú Quốc giữ chức Tổng Giám đốc Tân Thuận- IPC, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 19,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn thu trọng yếu của doanh nghiệp này trong kỳ đến từ các khoản thu nhập khác, đạt hơn 644 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn thu nhập khác của IPC chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng (456,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Tân Thuận (114,1 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sepzone Linh Trung (27,6 tỷ đồng).
Doanh nghiệp ghi nhận 20,95 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 2, tăng 43,1% so quý trước.
Sau khi trừ đi các chi phí, IPC báo lãi gần 663 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Tính đến ngày 30/6/2020, quy mô tổng tài sản của Tân Thuận- IPC đạt 5.682 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền của IPC tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm, đạt mức 306,2 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng từ 800 tỷ đồng lên 921,5 tỷ đồng.
Theo Kết luận của Thanh tra TP.HCM, trong thực hiện dự án đầu tư, IPC đã "dính chàm" tại hàng loạt dự án như: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án khu dân cư Hiệp Phước, dự án khu dân cư Long Hậu - Long An... Cụ thể, ông Tề Trí Dũng cùng "bộ sậu" của IPC đã dính đến hàng loạt sai phạm qua những phi vụ "ném tiền qua cửa sổ" khiến việc doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch năm sau lại thấp hơn năm trước và không đạt so với kế hoạch. Kết luận của Thanh tra TP.HCM chỉ rõ, IPC chưa từng thực hiện dự án nào có yêu cầu kỹ thuật và quy mô vốn đầu tư lớn như tại dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ nhưng IPC vẫn tham gia làm chủ đầu tư, khiến dự án đến nay vẫn chưa xử lý được công trình ngầm, chưa chọn được nhà thầu thi công và dẫn đến chậm tiến độ. Dự án khu dân cư Hiệp Phước được duyệt với mục tiêu xây nhà ở phục vụ chương trình tái định cư nhưng IPC lại đem đi bán đất nền thương mại. Tại dự án khu dân cư Long Hậu, IPC hợp tác đầu tư với công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án trái phép. Việc chuyển nhượng dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định. Trên trang web của IPC, đơn vị này còn đang tiếp tục đầu tư các giai đoạn tiếp theo của một số dự án quy mô khá lớn như: Khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) và mạng lưới giao thông kết nối; Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7); Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) giai đoạn 1... |
Bạch Hiền (t/h)