Trong khi tình hình kinh doanh không mấy khả quan thì lương thưởng, thu nhập của ban lãnh đạo Tân Thuận IPC (đặc biệt là Tổng Giám đốc) vẫn ở mức "khủng".
Kinh doanh không mấy khả quan nhưng "sếp lớn" của Tân Thuận vẫn nhận lương ở mức khủng. Ảnh minh họa: Dân Trí |
Tháng 5/2019, Công an TP.HCM đã khởi tố và bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng Giám đốc công ty Sadeco để điều tra về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam, ông Tề Trí Dũng giữ chức Tổng Giám đốc của công ty IPC - trực thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2015-2018.
Kể từ khi ông Dũng được bổ nhiệm làm CEO, kết quả kinh doanh của IPC liên tục đi xuống.
Báo cáo tài chính riêng của IPC cho thấy, kể từ khi ông Dũng được bổ nhiệm làm CEO, tổng doanh thu và lợi nhuận của công ty sụt giảm đáng kể.
Từ tổng doanh thu 1.138 tỷ đồng năm 2015, IPC lần lượt ghi nhận chỉ tiêu này giảm xuống còn 952 tỷ đồng(năm 2016) và 829 tỷ đồng (năm 2017)
Kết thúc năm 2018, tổng doanh thu của IPC tăng nhẹ trở lại lên mức 855 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong năm 2018 thu nhập khác của công ty này lại tăng đột biến lên 630,5 tỷ đồng so với mức 8,9 tỷ đồng của năm trước.
Nhờ đó, mặc dù doanh thu chưa tới 140 tỷ đồng nhưng Tân Thuận vẫn có lãi trước thuế 681,7 tỷ đồng trong năm 2018 và lãi sau thuế 665,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của IPC giảm dần đều trong giai đoạn 2015-2018. Năm 2015, lãi sau thuế của IPC là 951 tỷ đồng, năm 2016 xuống 806 tỷ, năm 2017 là 695 tỷ và đến năm 2018 chỉ còn 666 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2015-2018, nợ phải trả của IPC lại tăng nhanh. Năm 2015, nợ phải trả của IPC chỉ là 205 tỷ đồng. Đến 2018, số nợ tăng gần 5 lần lên mức 967 tỷ đồng.
Mặc dù tình hình kinh doanh không mấy khả quan nhưng thu nhập bình quân của người lao động tại doanh nghiệp này lại ở mức khá cao.
Theo Báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch SXKD 3 năm giai đoạn 2015 - 2017 của IPC, với khoảng 120 lao động trong năm 2017, IPC dành đến 52 tỷ đồng để trả lương, tương đương mỗi lao động hưởng mức lương hơn 36 triệu đồng/tháng.
Cụ thể: Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của IPC giảm mạnh, mức đạt thấp hơn gần 1/2 so với năm 2016 nhưng thu nhập của viên chức quản lý và người lao động lại tăng. Thu nhập bình quân của viên chức quản lý năm 2016 là gần 62 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, mức thu nhập tăng lên hơn 65 triệu đồng/tháng.
Trong báo cáo quản trị trong năm 2016, ông Tề Trí Dũng (lúc này đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) có thu nhập cao nhất trong dàn lãnh đạo IPC thời điểm đó với gần 930 triệu đồng, tương ứng 77,5 triệu đồng/tháng.
Tại kết luận thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại IPC của Thanh tra TP.HCM cho biết, số lao động 120 người năm 2017 của IPC đã vượt quá kế hoạch lao động được phê duyệt là 9 người.
Thu nhập thực chi người lao động trong năm 2016 là 18,01 triệu đồng/tháng; năm 2017 tăng vọt lên đến 31,72 triệu đồng/tháng.
Đối với người quản lý, thu nhập 2016 bình quân là 61,98 triệu đồng/tháng; năm 2017 là 65,02 triệu đồng/tháng.
Lợi nhuận 2017 thấp hơn 2016, tuy nhiên thu nhập người lao động cũng như quản lý IPC lại cao hơn khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về vấn đề này.
Theo báo cáo số 126/IPC.20, trong năm 2018, tiền lương của người lao động rơi vào khoảng 27,38 triệu đồng/tháng. Lương bình quân của 12 người trong ban lãnh đạo IPC ở mức 53,588 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch 54,83 triệu đồng/người/tháng).
Dự kiến năm 2019, lương của người lao động tiếp tục giảm so với các năm trước khi rơi vào khoảng 25.06 triệu đồng/tháng, Ban lãnh đạo IPC giảm về số lượng nhưng thu nhập chênh lệch không đáng kể so với năm trước (54,47 triệu đồng).
Về tình hình nhân sự, sau khi cựu Tổng Giám đốc Tân Thuận Tề Trí Dũng bị khởi tố, tạm giam, đến tháng 12/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định của UBND TP điều động, bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, giữ chức vụ thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Thời gian giữ chức vụ là 5 năm. Trước đó, ông Phạm Phú Quốc là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM. |
Bạch Hiền