Ngoài số tiền phạt 9,1 tỉ nhân dân tệ, giám đốc điều hành cùng 14 quản lý của công ty công nghệ sinh học Trường Sinh bị bắt vì sản xuất vắc-xin "rởm".
Khủng hoảng vắc-xin Trung Quốc gây hoang mang lớn cho người dân nước này. Ảnh: Shutterstock |
Hôm 16/10, hãng tin AP cho biết một công ty vắc-xin phòng bệnh dại của Trung Quốc đã bị phạt 9,1 tỉ nhân dân tệ ( hơn 1,3 tỉ USD, tức hơn 30,7 ngàn tỉ đồng) vì có dấu hiệu sai lệch trong hồ sơ sản xuất.
Công ty nói trên được xác định là Changchun Changsheng Life Sciences (CCLS - công ty công nghệ sinh học Trường Sinh). Hồi tháng 7, công ty này bị đình chỉ hoạt động sản xuất, đồng thời bị tước giấy phép sản xuất vắc-xin và một số loại dược phẩm khác.
Ngoài số tiền phạt 9,1 tỉ nhân dân tệ, giám đốc điều hành cùng 14 quản lý của CCLS đã bị bắt hồi tháng 7 sau khi chính quyền phát hiện hồ sơ sản xuất của công ty bị làm giả từ đầu năm 2014.
Hồi tháng 7, trong một tuyên bố, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm tỉnh Cát Lâm cho biết công ty công nghệ sinh học Trường Sinh đã làm giả dữ liệu về vắc-xin dại và sản xuất vắc-xin kém chất lượng cho trẻ sơ sinh,
Ngay lúc đó, từ châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố đây là cuộc khủng hoảng vắc-xin nghiêm trọng và khẳng định, việc đảm bảo an toàn dược phẩm là trách nhiệm của Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc tới tấp đăng bài phanh phui những sự thật kinh hoàng về vụ việc, đòi nghiêm trị công ty và những cá nhân vi phạm trong sản xuất, tiêu thụ, giám sát, quản lý sản phẩm vắc-xin “rởm”, gây “họa quốc ương dân”.
Hôm 18/8, chính phủ Trung Quốc thông báo đã sa thải tất cả 6 quan chức cấp cao làm việc tại Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, sau vụ bê bối trên.
Trong số 6 quan chức bị sa thải, có Ding Jianhua, người đứng đầu phụ trách hai bộ phận tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (CFDA).
Vụ bê bối vắc-xin là cuộc khủng hoảng gây nhiều tranh cãi nhất gần đây liên quan đến các sản phẩm kém chất lượng.
Vào năm 2008, khoảng 300.000 trẻ sơ sinh phát bệnh sau khi uống sữa bột nhiễm độc. Điều này đã gây chấn động toàn cầu khiến cho người dân Trung Quốc đổ xô đi tìm sữa ngoại.
Sau đó vài năm, trong báo cáo năm 2015, gần một nửa các nhà máy chế biến thực phẩm của Trung Quốc vẫn không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)