(ĐSPL) - Một chuyên gia trong ngành xây dựng tại TP.HCM chia sẻ, các công trình nhà ở, chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng ngay khi mới đưa vào sử dụng xuất hiện ngày càng nhiều. Bởi, trong sự khó khăn của bất động sản, đặc biệt là các chi phí đầu vào liên tục tăng thì nhiều doanh nghiệp đã tính đến bài toán về lợi nhuận nên tìm cách để "cắt" chất lượng công trình.
Nhà nứt... kêu ai?
Ông Nguyễn Xuân Hùng, ngụ tại chung cư Thái An, P. Trung Mỹ Tây, Q.12 chia sẻ, chung cư ông đang ở do Công ty Địa ốc Đất Lành xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009. Chung cư có 16 lầu, 186 căn hộ. Đặc biệt ở chung cư này, chủ đầu tư đã đổ đất làm thành vườn trồng cây ở sân thượng và trước cửa nhà lầu 16 nhằm tạo môi trường xanh, thân thiện với con người độc đáo hiếm thấy.
Tuy nhiên, sau thời gian sống chung với vườn cây này, người dân ở đây phải gánh chịu những hệ lụy khó ngờ. Bởi, với khối lượng đất khá lớn dày tới 1m, nửa trên là đất, nửa dưới là sỏi, đá, cộng với cây trồng, nước tưới thì tải trọng của mặt sàn sân thượng phải gánh chịu thêm 2 - 3 tấn/m2.
Rất có thể đây là nguyên nhân gây nứt trần nhiều căn hộ ở lầu 15 và gây nên tình trạng khi mưa, nước chảy từ sân thượng xuống các căn hộ theo vết nứt này. Căn hộ mà ông Hùng mua có diện tích 70m2 với giá 11 triệu đồng/m2.
|
Ông Hùng cho rằng, sức nặng của vườn cây ở lầu 16 này có thể là nguyên nhân gây ra những vết nứt cho các căn hộ ở tầng dưới. |
Còn người dân sống trong chung cư Lý Thường Kiệt, P.7, Q.11 cũng đang hoang mang khi một số lan can ở đây nghiêng sang một bên. Ông N.T.T, ngụ tại lô D chung cư này cho biết, mái của lối đi chung ở tầng 1 (lô D) bị tróc. Lâu lâu lại có cát, vữa, gạch rơi xuống rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ hay chơi ở khu vực này. Bên cạnh đó, bức tường lan can cũng ở lầu 1 đang bị nghiêng ra ngoài, có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào. Trước đây, tại chung cư này ở lô B cũng đã xảy ra vụ đổ lan can nhưng may mắn là không có ai bị thương. Chung cư này đã xuống cấp, chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đó là chưa kể mấy ngày gần đây, nước cống bị nghẹt, tràn ra cả lối đi, bốc mùi hôi thối kinh khủng.
Cũng tương tự, tại chung cư Hiệp Bình Chánh, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức người dân cũng đang kêu trời, đặc biệt là tại các lô A, C. Hiện lối thoát hiểm các lô này đã bị lún và ngập nước nghiêm trọng. Chị Vân, một người dân sống ở đây cho biết, nước chảy ra lênh láng, bốc mùi hôi thối, nền nhà lại sụt lún, người dân phải tìm cách bắc ván để làm cầu mà đi. Tình trạng này đã xảy ra nhiều tháng nay, dù người dân đã liên tục kiến nghị nhưng vẫn không thấy ai khắc phục cả.
Đó là những chung cư mới được xây dựng gần đây, còn nếu nói rộng ra đến các chung cư xây dựng đã lâu, cách đây khoảng 30 - 40 năm thì tại TP.HCM còn có rất nhiều mạng người đang bị đe dọa hàng ngày khi sống trong các chung cư cũ, nát, xuống cấp trầm trọng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng thì tại TP.HCM và Hà Nội có tới hơn 90\% chung cư bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có tới 25\% lô chung cư ở tình trạng nguy hiểm. Và điển hình tại TP.HCM, mới đây Sở Xây dựng đã đề nghị UBND Q. Tân Bình khẩn trương di dời 6 chung cư xuống cấp trên địa bàn, gồm: 3 - 3A Phú Hòa; 47 Hưng Long; 149 - 151 Lý Thường Kiệt; 40/1 Tân Phước; 170 - 171 Tân Châu và 137 Lý Thường Kiệt. Bởi, các chung cư này hiện không còn đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân.
Chủ đầu tư phủi tay phớt lờ
Một lãnh đạo sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khi kiểm tra thì có rất nhiều chung cư có dấu hiệu xuống cấp, kể cả các chung cư mới xây cách nay vài ba năm. Đa phần các lỗi đều tập trung vào các hiện tượng thấm nước tại khu vực nhà vệ sinh, tường bị thấm khi mua, xuất hiện nhiều vết nứt, hệ thống thoát nước bị nghẹt... Ngoài ra, một số chung cư cũng không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy. Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do ngoài việc hư hỏng theo thời gian, thì còn có nguyên nhân chủ yếu chính là các chung cư không được bảo trì đúng mức. Bên cạnh đó, chất lượng thi công không đảm bảo đã ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Một chuyên gia trong ngành xây dựng tại TP.HCM chia sẻ, các công trình nhà ở, chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng ngay khi mới đưa vào sử dụng xuất hiện ngày càng nhiều. Bởi, trong sự khó khăn của bất động sản, đặc biệt là các chi phí đầu vào liên tục tăng thì nhiều doanh nghiệp đã tính đến bài toán về lợi nhuận nên tìm cách để "cắt" chất lượng công trình. Một trong các giải pháp được tính đến nhiều nhất chính là giảm nguyên vật liệu và thời gian thi công để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính vì thế, chất lượng công trình sẽ đi xuống và đương nhiên sẽ có nhiều hư hỏng khi đưa vào sử dụng.
Nhưng khi các chung cư này gặp sự cố, hư hỏng thì các chủ đầu tư thường chây ì trong việc tìm các giải pháp để khắc phục. Ông Hùng cho biết: Sau một thời gian sử dụng, nhiều căn hộ ở lầu 15 chung cư Thái An bị nứt trần, trong đó có hai căn hộ bị nước mưa chảy từ trên xuống nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bảo hành. Theo tôi được biết thì trong Luật Nhà ở đã quy định rõ, thời gian bảo hành "không ít hơn sáu mươi tháng đối với nhà chung cư từ 9 tầng trở lên và các loại nhà ở khác được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước" (Điều 74, mục 3, Luật Nhà ở).
Còn ông Nguyễn Hoài Phương, Trưởng Ban Quản lý chung cư Hiệp Bình Chánh cũng cho biết, đã kiến nghị lên cả Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q. Thủ Đức (đơn vị quản lý) và chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thấy động thái nào để giải quyết.
Bên cạnh việc không đảm bảo an toàn thì nhiều chủ đầu tư cũng quên luôn nghĩa vụ phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho người dân. Ông Hùng chia sẻ, mặc dù tòa nhà đã được đưa vào sử dụng sang năm thứ 5 và các căn hộ đã được bán hết cho khách hàng, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hồ sơ tòa nhà cho Ban Quản trị chung cư. Đến nay, các bên liên quan vẫn chưa làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người dân tại chung cư Thái An.
Người dân có quyền đề nghị giải quyết: "Nếu đúng như người dân phản ánh thì bắt buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu của người dân. Trong trường hợp chủ đầu tư không có biện pháp giải quyết thì phải bàn đến trách nhiệm của chính quyền. Vì nhà cửa, chung cư là do Nhà nước quản lý. Do vậy, người dân hãy đến các cơ quan công quyền (cấp có thẩm quyền) để đề nghị được giải quyết. Nếu chính quyền không có động thái nào thì người dân hoàn toàn có thể kiện ra tòa", TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM nói.
|
C.TLink bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-dau-tu-phot-lo-mang-song-nguoi-dan-vi-loi-nhuan-a24792.html