(ĐSPL) - Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường là trái phép.
Theo đó, sáng nay (14/9), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc làm việc để trả lời các câu hỏi của PV báo chí liên quan đến việc gần 50 tấn cá chết bất thường tại huyện Tĩnh Gia và hoạt động súc rửa đường ống, xả thải của nhà máy hóa lọc dầu Nghi Sơn. Đồng chủ trì cuộc làm việc có bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở TN&MT và ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa.
Trao đổi với PV Báo Người đưa tin, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là trái phép.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở TN&MT (phải) và ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa (giữa). |
Cũng theo ông Bình, tại nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có hai đường ống dẫn dầu đặt song song nhau ở dưới biển với chiều dài 33.5km và cách nhau 43m, đường kính mỗi đường ống là 1m. Hiện nay, nhà thầu Hàn Quốc đã thi công xong. Trước khi bàn giao, họ đã thực hiện việc súc rửa đường ống nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Theo đó, họ đã xả thải 40 nghìn m3/90 nghìn m3 nước ra môi trường. Việc này, Sở TN&MT đã báo cáo Tổng cục môi trường vào kiểm tra.
"Khi nắm được sự việc, chúng tôi đã yêu cầu họ dừng việc xả thải, khối lượng nước thải còn lại đã được bơm ngược trở lại nhà máy”, ông Lê Văn Bình cho biết thêm.
Tại cuộc làm việc ông Lê Văn Bình thông tin thêm, công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn có một đường ống xả thải ngầm nối từ nhà máy dài ra biển dài 2km và cách mặt nước biển 11m.
Khi PV hỏi việc xây dựng đường ống xả thải ngầm này đã được cấp phép hay chưa? Liên quan đến vấn đề này, ông Bình cho biết thêm: Đường ống này đã nằm trong lộ trình đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt, hiện nay họ chưa xả thải. Rút kinh nghiệm từ vụ Formosa, tổng cục môi trường đã yêu cầu công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn xây dựng một hồ điều hòa trong nhà máy, tất cả nước thải của nhà máy phải qua hồ này rồi mới được xả ra môi trường.
Trước đó, báo Người đưa tin đã đưa, bắt đầu từ ngày 6 – 9/9/2016, các lồng cá của người dân địa phương tại khu vực đảo Ngọc, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị chết hàng loạt. Các loại cá bị “khai tử” gồm: Vược, vú, giò, hồng đỏ… Hiện tượng này, sau đó cũng xuất hiện tại xã Tĩnh Hải (Tĩnh Gia).
Ngay sau khi cá chết, ngày 10/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cá chết bất thường tại vùng ven biển 2 xã này.
Trên cơ sở kết quả phân tích của Sở TN&MT, UBND tỉnh Thanh Hóa kết luận: “Bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên và cá nuôi lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi – Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao, ở quy mô rộng hay còn gọi là tảo nở hoa”.
Sau khi báo cáo này được công bố, một số chuyên gia và những người nguyên là cán bộ cấp cao trong lĩnh vực quản lý môi trường đều có chung nhận định, việc UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra kết luận nguyên nhân cá chết do "thủy triều đỏ" quá vội vàng?
Trước sự hoài nghi của dư luận và các nhà khoa học, ngày 13/9, hai đoàn công tác của Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT) và Trung tâm Quan trắc môi trường (Bộ TN-MT) đã tới Thanh Hóa lấy mẫu nước biển để tìm nguyên nhân hàng chục tấn cá bị chết bất thường.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng.
PVMT
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]OH6lY72VG6[/mecloud]