(ĐSPL) - Sau khi mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) UBND tỉnh Bình Dương sẽ bàn giao lại cho một tổng công ty để nâng cấp, mở rộng tuyến đường mà không thu phí.
Báo Dân trí đưa tin, UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương. Sau khi mua xong, trạm thu phí này sẽ được bàn giao cho Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) nâng cấp, mở rộng tuyến đường mà không thu phí.
Trên tuyến đường này còn xây bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3 km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỷ đồng song khi dự án hoàn thành.
Công nhân tháo dỡ trạm thu phí BOT An Phú trên đường ĐT743. Ảnh: Xuân An |
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng giám đốc Becamex IDC cho biết, ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng sẽ tiến hành mở rộng đường ĐT743 lên sáu làn xe. Trước mắt, giai đoạn 1 sẽ mở rộng từ cầu vượt Sóng Thần (giao với quốc lộ 1) tới công viên Tân Đông Hiệp.
Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mở rộng từ Tân Đông Hiệp tới ngã tư Miếu Ông Cù, đồng thời xây cầu vượt tại các nút giao đông xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3km, vốn đầu tư lên tới 1.330 tỉ đồng (chỉ tính riêng giá trị xây lắp).
Cùng với việc tiếp nhận và mở rộng đường ĐT743, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao Becamex IDC đầu tư nhiều tuyến đường khác với quy mô lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng có tổng chiều dài hơn 64km, khi hoàn thành sẽ nối quốc lộ 1, quốc lộ 1K và đường Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng giá trị xây dựng của tuyến đường này lên tới gần 4.000 tỉ đồng.
Hai tuyến đường ĐT746, ĐT747B cũng đang được xây dựng với quy mô sáu làn xe, chi phí khoảng 700 tỉ đồng/tuyến.
Đây là các tuyến đường không chỉ kết nối vùng thị xã Tân Uyên với trung tâm tỉnh Bình Dương mà còn giúp các xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đi qua để tới Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên nhanh chóng hơn.
Ngoài các tuyến đường không thu phí, còn nhiều dự án mới phải xây dựng như các công trình tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2... cũng đang nghiên cứu áp dụng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Về nguồn vốn đầu tư các tuyến đường trên, thông tin trên báo Dân trí cho hay, hiện UBND tỉnh đang nghiên cứu để lựa chọn những giải pháp huy động từ các nguồn vốn bên ngoài ngân sách để đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 13 trạm thu phí, các trạm này thu phí hoàn vốn cho bảy dự án BOT giao thông.
Ngọc Linh(tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]tJLxRrBYhC[/mecloud]