Nhìn những cột điện chót vót trên những đỉnh đồi với hệ thống đường dây qua các sườn đồi núi cheo leo ở các bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), ai ai cũng sẽ thấy rõ những gian truân và nỗ lực của cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Nghệ An nói chung trong hành trình mang ánh sáng tới các bản vùng cao, cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi, phát triển từng ngày.
Với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, những năm qua Công ty Điện lực Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh doanh nghiệp số hóa, xây dựng thành công hệ thống chăm sóc khách hàng đa dạng và hiện đại, các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng tiện ích và nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng.
Trong hành trình đó, toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã không ngừng đổi mới, cải cách để vươn tới những mục tiêu cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế quê hương, đất nước trên tinh thần kiến tạo. Triển khai đồng bộ nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực trong công tác an sinh xã hội, tri ân khách hàng, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn lao động, đẩy mạnh thực thi văn hoá doanh nghiệp, văn hóa học tập, 5S, tuyên truyền tiết kiệm điện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Các dự án đưa điện về vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo và các công trình điện phục vụ các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, thực sự đã thắp sáng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Bản Khe Bu, bản Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng cách trung tâm xã Châu Khê khoảng 15km, có trên 400 hộ dân, với gần 900 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái và tộc người Đan Lai sinh sống. Từ trước đến nay, nguồn sinh kế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản. Trong điều kiện giao thông cách trở, chưa có điện lưới quốc gia, việc phát triển kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt thường ngày của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Những năm trước, chính quyền địa phương cũng như ngành điện lực chưa thể đầu tư nâng cấp đường giao thông và hạ thế điện lưới vào hai bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng do Dự án thủy điện Suối Choang nằm trên địa bàn chậm tiến độ đề ra. Theo tính toán, khi công trình thủy điện đi vào hoạt động, trục đường giao thông độc đạo vào địa bàn của đồng bào dân tộc Thái và tộc người Đan Lai sinh sống sẽ bị nhấn chìm. Theo cam kết khi thực hiện dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm mở một con đường khác để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh của người dân địa phương. Nhưng sau hơn 10 năm, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành, trục đường mới chưa được mở khiến việc kéo điện lưới cũng không thể thực hiện được.
Mặc dù trước đó, ngành điện lực tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện về hạ tầng, kéo đường dây tại hai bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng để chờ trục đường qua Dự án thủy điện Suối Choang mở ra sẽ hoàn thiện đấu nối, “đóng điện” phục vụ nhân dân. Nhưng công trình thủy điện Suối Choang chậm tiến độ đã làm cho quá trình “đưa điện” về khu vực dân cư biên giới bị gián đoạn.
Cuộc sống nhân dân ở miền núi vốn rất khó khăn, việc chưa có điện đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống vật chất và tinh thần của bà con nơi đây. Vấn đề nan giải nhất là việc tiếp cận văn hóa thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế. Với mong muốn được có điện lưới Quốc gia để ổn định cuộc sống, thấu hiểu được mong mỏi của người dân địa phương, ông Bành Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Nghệ An đã làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế tại địa bàn, đưa ra cam kết với nhân dân địa phương: “Ngành điện lực sẽ không phụ thuộc vào tiến độ mở đường của Dự án thủy điện Suối Choang, thay vào đó sẽ “cắt rừng” thi công, sớm hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng “đóng điện” phục vụ cuộc sống của nhân dân biên giới”.
Mặc dù dịp cuối năm 2023, thời tiết không thuận lợi, song cán bộ, nhân viên ngành điện lực đã khắc phục khó khăn, bám rừng núi để hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lời hứa với nhân dân. Dịp Tết Nguyên đán 2024, những hộ dân đầu tiên đã vui mừng khôn tả khi lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến tháng 4/2024, điện lưới được đấu nối, cung cấp tới tất cả các hộ gia đình, điểm trường, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các khu dân cư ở khu vực biên giới. Có điện lưới, cuộc sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân biên giới đã thực sự khởi sắc. Nhiều gia đình tại các bản làng đã mua ti vi, tủ lạnh, máy xát lúa để sử dụng cũng như phục vụ kinh doanh. Đêm đến, bản làng ở khu vực biên giới bừng sáng ánh điện, âm thanh của loa đài, ti vi từ các nhà dân phát ra vui nhộn.
Ông La Văn Nam, Trưởng bản Khe Bu cho biết: “Sau rất nhiều năm mong đợi, cuối cùng bà con cũng được sử dụng điện lưới quốc gia. Có điện, bà con rất vui mừng, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần, việc học tập của con em đều thuận lợi hơn rất nhiều”. Trong điều kiện thời tiết mùa Hè nắng nóng, ở điểm trường mầm non bản Khe Bu có quạt điện phục vụ tốt cho việc học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh. “Từ khi có điện lưới, chúng tôi đã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ về vật chất để phục vụ cho việc học tập, vui chơi, ngủ nghỉ của các cháu được tốt hơn. Nhờ đó, việc đến trường của các cháu cũng đều đặn hơn nhiều” – cô Dương Thị Thúy, giáo viên điểm trường mầm non bản Khe Bu cho biết.
Điện được thắp lên không chỉ là ánh sáng mà còn mang tới niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân ở những vùng gian khó. Điện về đã thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những hiệu quả này không thể đo đếm đơn thuần bằng kinh tế.
Có điện rồi đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con sẽ có nhiều thay đổi. Ánh sáng văn minh về bản sẽ xóa đi đói nghèo, trình độ dân trí sẽ được nâng lên, tình trạng tảo hôn, sinh nhiều con sẽ không còn. Điện về bản, giúp dân “sáng mắt, sáng lòng” để họ ấm lòng tin tưởng và kỳ vọng, phấn đấu cho một tương lai tươi sáng.