Trúng thầu trăm tỷ nhưng tiết kiệm chỉ tượng trưng
Thành lập vào tháng 10/2010, công ty Cổ phần công trình giao thông Công Chánh (sau đây gọi tắt là công ty Công Chánh – PV) có mã số thuế: 0300475734 do sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp lần đầu ngày 13/10/2010, đăng ký thay đổi lần thứ 2 vào ngày 18/07/2019 với vốn điều lệ là 268.750.000.000 đồng; địa chỉ trụ sở: số 14-16 Phan Đăng Lưu, Phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; do ông Phan Minh Lộc làm người đại diện pháp luật.
Định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đa nghề, liên quan đến xây dựng dân dụng và công nghiệp; các công trình hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông; công trình thủy lợi, công trình cấp nước; xử lý nước thải công nghiệp…
Mục tiêu của việc đấu thầu là tìm được nhà thầu thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư cũng như tiết kiệm tối đa ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, tại một số gói thầu xây lắp, cải tạo do công ty Công Chánh tham dự có mức tiết kiệm nguồn vốn đầu tư “siêu thấp”, thậm chí là sát mức 0 đồng.
Theo thống kê từ hệ thống mạng đấu thầu, với tư cách nhà thầu, công ty Công Chánh đã tham gia 127 gói, trong đó trúng 106 gói, tổng giá trị là 3.612.527.607.277 đồng (Bằng chữ: Ba nghìn sáu trăm mười hai tỷ, năm trăm hai mươi bảy triệu, sáu trăm linh bảy nghìn, hai trăm bảy mươi bảy đồng).
Công ty Công Chánh là nhà thầu quen mặt tại công ty CP Cấp nước Trung An khi trúng 10/10 gói thầu (tổng trị giá 98.479.814.423 đồng); trúng 8/9 gói thầu tại tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành (557.024.982.035 đồng); trúng 6/6 gói thầu tại công ty Cổ phần tư vấn xây dựng – thương mại Bửu Thành (241.153.953.332 đồng); trúng 5/5 gói thầu tại chi nhánh tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV – Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch (197.742.743.692 đồng); trúng 5/5 gói thầu tại công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Thiên Lộc Gia (137.603.914.179 đồng).
Trong 2 năm 2021 - 2022, trong vai trò độc lập và liên danh, công ty Công Chánh trúng 13 gói thầu, trong đó có 2 gói giá trị thấp (140 và 495 triệu đồng), còn lại giá trị mỗi gói hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở 11 gói này lại rất thấp, trung bình là 1,1% (tương đương 324.264.355.860 đồng tiền trúng thầu nhưng tiết kiệm vỏn vẹn 3.675.561.028 đồng).
Cụ thể như gói thầu PR-1.6B tại Ninh Thuận gần 64 tỷ đồng nhưng tiền tiết kiệm được hơn 700 triệu đồng; gói Xây lắp 1 tại UBND quận Bình Tân, TP.HCM giá trúng thầu hơn 36 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 51 triệu đồng (đạt tỉ lệ tượng trưng 0,1%); gói XL1 tại ban Quản lý Đầu tư xây dựng Công trình huyện Hóc Môn, TP.HCM giá trúng thầu 43,4 tỷ đồng nhưng tiết kiệm hơn 434 triệu đồng (tỉ lệ 1%); gói Xây lắp 2 tại ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) khu vực TP.Thủ Đức, TP.HCM giá trúng thầu gần 28 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 37 triệu đồng (đạt tỉ lệ 0,1%); 2 gói Xây lắp tại ban QLDA ĐTXD khu vực quận Bình Thạnh, TP.HCM (tháng 1/2022 và tháng 4/2021) giá trị lần lượt là hơn 20,7 tỷ đồng và 20,8 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm tương ứng hơn 100 triệu đồng (đạt tỉ lệ 0,5%) và 67 triệu đồng (tỉ lệ 0,3%).
Theo các chuyên gia kinh tế: Đối với công tác mời thầu, các đơn vị là chủ đầu tư bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cũng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách địa phương, ngân sách Nhà nước.
Tình trạng nhà thầu quen mặt, trúng thầu với giá sát hay tỉ lệ tiết kiệm cực thấp là vấn đề bất cập trong công tác sử dụng vốn đầu tư công. Các cơ quan chức năng liên quan cần xem xét lại quy trình đấu thầu có được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay không.
Những giao dịch tín dụng liên quan gói thầu
Theo dữ liệu Đời sống và Pháp luật có được, những năm qua, công ty Công Chánh có nhiều giao dịch huy động vốn từ các ngân hàng như: ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - chi nhánh Bắc Sài Gòn; ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh TP.HCM; ngân Hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Long An…
Tài sản đảm bảo tại ngân hàng chủ yếu là các quyền tài sản (quyền đòi nợ, quyền nhận các khoản tiền, các khoản phải thu,…) ở những hợp đồng thi công xây dựng công trình của chính công ty Công Chánh.
Gần đây nhất, tháng 11/2022, công ty Công Chánh thực hiện hợp đồng với ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - chi nhánh Bắc Sài Gòn; tài sản đảm bảo là toàn bộ hàng hóa phục vụ cho Hợp đồng xây dựng công trình số 193/2022/HĐ-BQLDA ngày 28/10/2022 về việc thực hiện Gói thầu: "Xây lắp 1: Xây dựng đường, hệ thống thoát nước" thuộc công trình "Nâng cấp và mở rộng đường Lê Tấn Bê (đoạn từ Đại lộ Đông Tây đến ranh Quận 8), phường An Lạc, Quận Bình Tân giữa Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Khu Vực Quận Bình Tân và công ty Công Chánh.
Cụ thể là: Các nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm, bán thành phẩm; Hàng hóa được thay thế, bổ sung cho Hàng hóa bảo đảm nêu trên; Các khoản tiền và khoản tiền phạt, bồi thường thiệt hại mà công ty Công Chánh được nhận hoặc sẽ được nhận phát sinh từ các hợp đồng về việc mua bán, trao đổi hàng hóa nêu trên mà công ty Công Chánh giao kết với bất kỳ đối tác nào (“Bên có nghĩa vụ trả nợ”); Toàn bộ quyền thụ hưởng bảo hiểm và các lợi ích của công ty Công Chánh theo Hợp đồng bảo hiểm (nếu có); Toàn bộ các tài sản, quyền tài sản khác gắn liền hoặc phát sinh từ hàng hóa thế chấp mà công ty Công Chánh được nhận hoặc sẽ được nhận.
(Còn nữa)
Công ty Công Chánh – Bài 2: Những ẩn số về tài chính giữa doanh thu và lợi nhuận
Dương Thu