Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, nhưng Công ty cổ phần cảng dịch vụ dầu khí PTSC Thanh Hóa (PTSC Thanh Hóa) đã tự ý ký hợp đồng cho 7 đơn vị khác thuê lại trái pháp luật.
Theo hồ sơ phóng viên Đời sống và Pháp luật online có được cho thấy, ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 926/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Ngày 19/7/2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tiến hành họp bàn với các bên có liên quan (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu; Công ty TNHH Deloite Việt Nam) để tiếp nhận Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn – Thanh Hóa, đến ngày 31/7/2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp nhận quyền quản lý điều hành và hiện trạng Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn – Thanh Hóa từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Toàn cảnh khu đất PTSC Thanh Hóa đang sử dụng |
Ngày 12/8/2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Quyết định số 7090/QĐ-DKVN về việc chuyển giao cho PTSC Thanh Hóa tiếp nhận, và làm chủ đầu tư dự án Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch – Đồng Nai và Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, PTSC Thanh Hóa đã nhanh chóng tổ chức sản xuất kinh doanh, song song với việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý và từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng.
Ngày 19/8/2014, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 26221000203 dự án Khu dịch vụ dầu khí tổng hợp Nghi Sơn cho PVN.
Ngày 26/2/2016, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn có quyết định số 43/QĐ-BQLKKTNS cho PVN thuê đất sử dụng vào mục đích Đầu tư xây dựng Khu dịch vụ dầu khí tổng hợp Nghi Sơn.
Tuy nhiên, do chưa thống nhất về thông tin diện tích mặt đất và diện tích mặt nước theo trích lục bản đồ địa chính 173/TLBĐ và Giấy chứng nhận đầu tư số 26221000203 nên việc ký hợp đồng thuê đất giữa hai bên chưa được thực hiện, do đó, PVN đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban QLKKTNS điều chỉnh đầu tư cho phù hợp với thông tin thực tế, đồng thời điều chỉnh luôn mục tiêu dự án.
Ngày 18/11/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 4480/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khai thác Cảng và Dịch vụ dầu khí tổng hợp. Ngày 29/11/2016, Ban QLKKTNS đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất số 0204121083.
Trên cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư mới, ngày 21/12/2016, Ban QLKKTNS có quyết định số 443/QĐ-BQLKKTNS thay thế quyết định số 443/QĐ-BQLKKTNS ngày 26/2/2016. Như vậy, đến ngày 21/12/2016 việc ký kết hợp đồng thuê đất mới Giữa Ban QLKKTNS và PVN được thực hiện.
Tuy nhiên, trước khi được thuê đất, PTSC Thanh Hóa đã tự ý ký hợp đồng cho 7 doanh nghiệp thuê mặt bằng từ năm 2013 với thời hạn của hợp đồng thuê mặt bằng 15 năm. Cụ thể: Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát thuê diện tích 15.000m2; Công ty TNHH cơ khí chế tạo và bê tông Fecon Nghi Sơn thuê diện tích 22.000m2; Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Nghi Sơn thê diện tích 10.000m2; Công ty TNHH Sing Industrial gas Việt Nam thuê diện tích 4.000m2; Công ty TNHH Thanh Hòa thuê diện tích 10.000m2; Công ty TNHH thương mại Hà Vĩnh thuê diện tích 14.000m2; Công ty TNHH MTV Hào Hưng Nghi Sơn thuê diện tích 10.000m2. Tổng diện tích đất mà PTSC Thanh Hóa cho các doanh nghiệp khác thuê là 75.000m2.
Như vậy, việc PTSC Thanh Hóa tự ý cho thuê đất là vi phạm nghiêm trọng Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ.
Xung quanh vấn đề này này, nhiều ý kiến cho rằng, việc PTSC Thanh Hóa cho thuê đất trái pháp luật một thời gian dài mà cơ quan chức năng không phát hiện được là hậu quả của việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát.
Nội dung trong Kết luận số 03/KLTTr-TCQLĐĐ ngày 17/7/2018 của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Kết luận số 03/KLTTr-TCQLĐĐ ngày 17/7/2018 của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ “UBND tỉnh Thanh Hóa cần có hình thức xử lý cụ thể đối với vi phạm của Công ty cổ phần cảng dịch vụ dầu khí PTSC Thanh Hóa theo hướng truy thu số tiền cho thuê đất và tài sản trên đất trong thời gian cho thuê không đúng thẩm quyền theo quy định”.
Nói về tính minh bạch số tiền mà PTSC Thanh Hóa thu về từ việc cho thuê đất trái pháp luật, một số chuyên gia pháp lý nhận định, việc PTSC Thanh Hóa tự ý cho thuê đất khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất là trái quy định của pháp luật. Do đó, số tiền thu được từ việc cho thuê đất của PTSC là nguồn thu trái pháp luật. Do đó, số tiền này cần thu hồi, nộp vào ngân sách nhà nước.
Nếu căn cứ vào Điều 17, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì PTSC Thanh Hóa ngoài việc phải nộp vào ngân sách số tiền thu về từ việc cho thuê đất trái pháp luật còn bị xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng.
Chính quyền tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý vụ việc này như thế nào? Đời sống và Pháp luật online tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Thiên Dương – Hoàng Anh