Trúng thầu trăm tỷ, tiết kiệm vài trăm triệu đồng
Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, tính đến cuối tháng 7/2023, công ty Cổ phần Armephaco (UPCoM: AMP) đã tham gia 226 gói thầu, trong đó trúng 181 gói, trượt 29 gói, 13 gói chưa có kết quả, 3 gói đã bị hủy. “Bản đồ đấu thầu” của công ty trải dài khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, có quan hệ với tổng cộng 112 bên mời thầu, chủ yếu là các đơn vị sở y tế và bệnh viện.
Tổng giá trị các gói thầu AMP đã trúng đạt 3,9 nghìn tỷ, bao gồm 186,1 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu, 189,5 tỷ đồng là các gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không có thông báo mời thầu.
Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu có giá trị lớn mà AMP đã trúng (trong cả vai trò độc lập và liên danh), có những gói từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm vài trăm triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm không đến 1%.
Đơn cử như trong giai đoạn 2019 – 2020, Giám đốc ban QLDA ĐTXD chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang Trần Ngọc Tính đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho công ty Cổ phần Armephaco 2 gói thầu số 60 và số 1 với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, gói 60 giá trúng thầu 307,3 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ 0,35%. Nhà thầu trúng thầu là liên danh Thanh Phương – T.D. – AMP.
Hay như tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 2 năm 2021-2022, Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu có sự tham gia của AMP. Theo đó, năm 2021, AMP đã trúng gói “Thiết bị hồi sức cấp cứu, thiết bị phòng mổ, phẫu thuật gây mê hồi sức” với giá 100,3 tỷ đồng. Thế nhưng số tiền tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 500 triệu đồng, tương đương tỉ lệ 0,5%.
Đến năm 2022, liên danh AMP – Thái Sơn trúng gói “Thiết bị chuyên dụng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn” cũng tại bệnh viện Nhi Đồng 1 với giá 57,1 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm chỉ 15,2 triệu đồng, đạt tỉ lệ 0,03%.
Tương tự, năm 2021, AMP đã trúng “Gói 1: Cung cấp hệ thống ECMO” tại bệnh viện Nhi Trung Ương với giá 37,4 tỷ đồng, tiết kiệm “vỏn vẹn” 5 triệu đồng, đạt tỉ lệ “tượng trưng” 0,01%.
Điệp khúc trúng thầu sát giá tiếp diễn ở nhiều gói thầu tại các đơn vị khác như gói thầu số 1 năm 2022 tại viện Địa chất có giá 67,5 tỷ đồng, tiết kiệm 583,6 triệu đồng (tỉ lệ 0,86%); gói đầu tư trang thiết bị y tế năm 2019 tại bệnh viện Lão khoa Trung ương 62,4 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 119 triệu đồng (0,19%); gói số 8 tại bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 giá trị 19,4 tỷ đồng, tiết kiệm 30 triệu đồng (0,15%)…
Ngoài ra, AMP còn là nhà thầu “quen mặt” tại trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (thuộc sở Tài chính Hà Nội) khi đã trúng 10/11 gói tại đơn vị này với tổng giá trị trúng thầu hơn 924 tỷ đồng, tiết kiệm 8,05 tỷ đồng, tỉ lệ trung bình 0,66%.
Cần lưu ý rằng, mục tiêu lớn lao của đấu thầu là tiết giảm tối đa cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Các đơn vị là chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm này, giảm tải gánh nặng cho đầu tư công.
Doanh thu cao – lãi “mỏng”, nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu
Việc liên tiếp trúng những gói thầu lớn cũng đã góp phần đem lại cho AMP nguồn doanh thu “khủng” hàng năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2022, công ty báo cáo doanh thu thuần đạt 1.447,4 tỷ đồng trong năm 2019, giảm mạnh còn 1.008,6 tỷ đồng vào năm 2018. Đến năm 2021, doanh thu thuần AMP thu về tăng lên mức 1.374,4 tỷ đồng trước khi giảm còn 1.171,7 tỷ đồng trong năm 2022.
Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của AMP trong thời gian này có vẻ chưa tương xứng với mức doanh thu lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong năm 2022, công ty báo cáo lãi sau thuế 3,97 tỷ đồng, giảm 24,5% so với cùng kỳ. Trước đó, dù doanh thu có lúc lên xuống nhưng AMP vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế duy trì lần lượt ở mức 6,95 tỷ đồng (năm 2019), 6,42 tỷ đồng (2020) và giảm nhẹ còn 5,26 tỷ đồng (2021).
Tại bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản AMP có được ở mức 1,03 nghìn tỷ đồng, bao gồm 947,7 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (chiếm 91,5% tổng tài sản), chỉ có 87,9 tỷ đồng là tài sản dài hạn. Một tín hiệu tích cực là tổng nợ phải trả của AMP đã giảm 143,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, về mức 843,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, với vốn chủ sở hữu chỉ 192,3 tỷ đồng, quỹ nợ của AMP đã cao gấp 4 lần.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) lên đến 4,38 đã cho thấy công ty đang sử dụng nhiều vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh, dấy lên nhiều nghi ngại, rủi ro trong việc trả nợ, nhất là trong tình trạng kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Ngoài ra, AMP đã nhiều lần vay vốn tại ngân hàng, sử dụng các quyền tài sản hoặc các khoản phải thu, nguồn thu từ các hợp đồng để làm tài sản bảo đảm. Đơn cử như theo hợp đồng số 186/2023/HDBD/TLG ngày 26/7/2023 tại TPBank chi nhánh Thăng Long, tài sản bảo đảm là Quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng cung cấp vật tư tiêu hao số: 002/2023/VTTH6_CR ngày 12/06/2023 ký giữa AMP và bệnh viện chợ Rẫy. Giá trị hợp đồng là 550 tỷ đồng.
Hay như theo hợp đồng số 146/2023/HDBD/TLG được ký ngày 20/6/2023, cũng tại TPBank chi nhánh Thăng Long, tài sản bảo đảm là Quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng số 380/2023/TTBYT/ĐKBG ký ngày 28/03/2023 giữa liên danh AMP - công ty TNHH Vật tư và Trang thiết bị y tế Hat-Med Việt Nam và bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Tiền thân là công ty Dược và Trang thiết bị y tế Quân đội được thành lập năm 1996, đến năm 2010 thì chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đổi tên thành công ty Cổ phẩn Armephaco với vốn điều lệ 130 tỷ đồng. Năm 2017, công ty có giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 15.800đ/cp.
Công ty có mã số thuế 0100109191, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn máy móc, thiết bị y tế. Trụ sở công ty được đặt tại số 118 Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Người đại diện là ông Nguyễn Văn Dũng – Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, hiện đang nắm giữ 20,32% cổ phiếu doanh nghiệp.
Ngọc Bảo